Tích trữ nước ngọt phục vụ nông nghiệp và dân sinh
Nạo vét kênh mương nội đồng để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh tư liệu: Duy Khương/TTXVN
Ngày 10/5, nhận định về xu thế xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 11 - 20/5, Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, xâm nhập mặn ở khu vực trên có xu thế giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 5/2024.
Chiều sâu ranh mặn 4‰ trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 30 - 40 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 25 - 35 km; sông Hàm Luông là 22 - 30 km; sông Cổ Chiên là 18 - 25 km; sông Hậu là 20 - 30 km; sông Cái Lớn là 20 - 28 km.
Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long tiếp tục giảm dần. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cấp 1.
Độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực. Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh, đồng thời cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên trồng các loại cây thời vụ có thể chịu được mức độ mặn cao chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, đồng thời có những biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước người dân cần kiểm tra nồng độ mặn.
Bên cạnh việc lưu trữ và tiết kiệm, người dân cần lắp đặt các hệ thống lọc nước mặn để đảm bảo tốt nhất lượng nước sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu. Hệ thống lọc nước mặn được xem là biện pháp sử dụng trực tiếp nguồn nước mặn hiện tại. Thông qua hệ thống lọc xử lý các thành phần muối hòa tan trong nước, mang lại nguồn nước có độ ngọt hợp lý. Đặc biệt, nước sau lọc có thể sử dụng để uống trực tiếp hoặc tưới tiêu cho các loại cây có khả năng chịu mặn thấp.
Đối với các hộ nuôi thủy sản, phải thực hiện quan trắc theo dõi độ mặn môi trường nuôi. Từ đó xác định khoảng thời gian bắt đầu nuôi và thời điểm kết thúc phù hợp với hiện trạng xâm nhập mặn.
Nhiều khu vực biển có gió mạnh, sóng cao
Trên biển, hiện bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam.
Dự báo đêm 10/5, vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng cao 2 - 3 m.
Ngoài ra, ngày và đêm 10/5, ở vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực Hoàng Sa), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào, dông, trong mưa dông có khả năng có lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cảnh báo, ngày 11/5, vịnh Bắc Bộ và vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động, sóng cao 1,5 - 2,5 m. Từ đêm 11/5, gió giảm dần.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các tỉnh, thành phố ven biển từ chịu ảnh hưởng theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Chiều tối và đêm 10/5 đến sáng 11/5, nhiều khu vực có mưa lớn
Thông tin về tình hình mưa, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Hữu Thành cho biết, trong ngày và đêm 10/5, khu vực vùng núi Bắc Bộ và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, dông với lượng mưa phổ biến từ 20 - 40 mm, có nơi trên 100 mm; riêng các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80 mm, có nơi trên 150 mm.
Chiều và đêm 10/5, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biển từ 30 - 70 mm, có nơi trên 150 mm.
Từ chiều 10/5 đến sáng ngày 11/5, khu vực Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biển từ 40 - 80 mm, có nơi trên 150 mm.
Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 80 mm trong 3 giờ.
Ngoài ra, chiều và đêm 10/5, khu vực Trung Trung Bộ có mưa rào và rải rác, dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30 mm, có nơi trên 60 mm; khu vực Tây Nguyên chiều và tối có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông với lượng mưa 15 - 30 mm, có nơi trên 60 mm.
Từ chiều 11/5 mưa lớn trên các khu vực có xu hướng giảm dần, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, công nghiệp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Cơ quan khí tượng thủy văn lưu ý, người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực, đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương bị ảnh hưởng lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh.
Theo hướng dẫn của Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trước tình hình trên, các khu vực chịu ảnh hưởng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập úng lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...
Đêm 9/5 và sáng nay 10/5, vùng núi Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã có mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 9/5 đến 8 giờ ngày 10/5 có nơi trên 90 mm như: Vĩnh Phúc (Hà Giang) 142,2 mm, Hùng Đức (Tuyên Quang) 140 mm, Cảm Nhân (Yên Bái) 120 mm, Nhân Mỹ (Hòa Bình) 151,8 mm, Châu Hội (Nghệ An) 96,4 mm, Tây Sơn (Hà Tĩnh) 159,2 mm, Bắc Trạch (Quảng Bình) 99,4 mm,...
Khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 9/5 đến 8 giờ ngày 10/5 có nơi trên 100 mm như: Phước Cát 2 (Lâm Đồng) 120 mm, Tân Thông Hội (TP. Hồ Chí Minh) 220,4 mm, La Ngà (Đồng Nai) 154,4 mm, Thị trấn Hậu Nghĩa (Long An) 121,4 mm,...
Thắng Trung (TTXVN)