Cống - âu thuyền Vàm Bà Lịch, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang vận hành kiểm soát mặn phục vụ sản xuất và giao thông đường thủy. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 2/2025, ở Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 45 - 65 km trong các kỳ triều cường. Xâm nhập mặn có xu thế biến động khó lường, các địa phương cần đề phòng các tình huống gia tăng đột xuất trong các đợt triều cường.
Cục Thủy lợi cho biết, tháng 2, ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập từ 45 - 60 km, so với năm 2024 cao hơn từ 1 - 3km, so với năm 2020 thấp hơn từ 6 - 13 km; so với năm 2016 thấp hơn từ 3 - 5 km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 45 - 50 km trong các kỳ triều cường.
Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4 g/lít lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 65-70km, so với năm 2024 thấp hơn từ 3-5km, so với năm 2020 thấp hơn từ 20 - 27 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 19 - 25 km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 60 - 65km trong các kỳ triều cường.
Trên sông Cái Lớn, hiện cống Cái Lớn – Cái Bé đưa vào vận hành, nên xâm nhập mặn được kiểm soát.
Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam dự báo, mặn xâm nhập mùa kiệt 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các tỉnh cơ bản đã hoàn thành việc xuống giống vụ Đông Xuân. Nhu cầu nước trên đồng bằng vào thời kỳ sử dụng nước cao điểm trùng với thời kỳ khan hiếm nước trên đồng bằng, Tháng 2 đến tháng 4 là thời kỳ mặn cao, vì vậy các địa phương ven biển cần chủ động các giải pháp ứng phó phòng chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng.
Cụ thể, vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long nguồn nước đủ, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn, cần thực hiện các biện pháp trữ nước và tưới tiết kiệm nước. Vùng giữa nguồn nước cơ bản đảm bảo, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.
Vùng ven biển xâm nhập mặn bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật.
Do vậy, nước cần đảm bảo cho các vùng ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách - tỉnh Sóc Trăng.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long làm đất xuống giống lúa Đông Xuân 2024-2025 sớm để né hạn mặn. Ảnh minh họa: Duy Khương – TTXVN
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo, việc tích trữ nước hợp lý sẽ đảm bảo nguồn nước cho sản xuất đủ diện tích theo kế hoạch hàng năm của các địa phương. Tích nước bất thường có thể làm mặn vào sâu hơn so với dự báo. Các địa phương chủ động các giải pháp thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn trong năm, theo dõi cập nhật các bản tin để chủ động tích trữ nước phục vụ dân sinh và đảm bản an toàn cho sản xuất.
Cục Thủy lợi tiếp tục tổ chức tăng cường theo dõi thông tin nguồn nước thượng nguồn sông Mekong, nhận định, theo dõi xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025, kịp thời cung cấp cho các địa phương tổ chức sản xuất.
Trong tháng 1/2025, xâm nhập mặn đạt giá trị cao nhất trong kỳ triều cường từ ngày 27 - 31/1/2025. Ranh mặn 4g/l lớn nhất vùng cửa sông Cửu Long từ 39 - 60 km (tùy từng cửa sông), so với trung bình nhiều năm cao hơn 6 - 15 km; so với năm 2024 cao hơn từ 3 - 14 km; so với năm 2016 thấp hơn từ 3 - 5 km; so với năm 2020 thấp hơn từ 5 - 8 km. Ranh mặn 4gl vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 45-53 km, so với trung bình nhiều năm cao hơn từ 1 - 6 km, so với năm 2024 thấp hơn từ 12 - 15 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 35 - 40 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 30 - 32 km.
Bích Hồng/BNEWS/TTXVN