Từ 15 giờ chiều nay (19.12), liên bộ Công Thương - Tài chính đã tăng giá bán lẻ xăng trên cả nước.
Cụ thể, giá xăng RON95 tăng 408 đồng/lít, lên mức 21.004 đồng/lít còn giá xăng E5RON92 tăng 383 đồng/lít, lên mức 20.244 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 478 đồng/lít, lên mức 18.733 đồng/lít, dầu hỏa tăng 402 đồng/lít, lên mức 18.968 đồng/lít còn giá dầu mazut tăng 329 đồng/kg, lên mức 15.903 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành tuần này, cơ quan chức năng vẫn quyết định không trích lập và không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với đa số các mặt hàng xăng, dầu. Trong các kỳ điều hành từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan điều hành đều không sử dụng quỹ này.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 12 - 18.12), các yếu tố như: Liên minh châu Âu thông qua gói trừng phạt Nga (một thành viên của OPEC+), rủi ro địa chính trị tại khu vực Trung Đông, chiến tranh Nga -Ukraine vẫn tiếp diễn... khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có diễn biến tăng, giảm tùy từng mặt hàng.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên, biến động tỷ giá VNĐ/USD và các quy định hiện hành, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định phương án điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới;
Tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường.
Dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây quỹ này không được sử dụng. Số dư quỹ tính đến cuối quý 2/2024 là 6.061 tỉ đồng, giảm 18 tỉ đồng so với quý liền trước và là quý giảm thứ 5 liên tục. So với cuối năm 2023, số dư quỹ này giảm gần 600 tỉ đồng.
Về công tác quản lý mặt hàng xăng dầu trong 11 tháng qua, Bộ Công Thương cho biết đã tổ chức 2 cuộc họp với các đầu mối kinh doanh xăng dầu về tình hình thực hiện tổng nguồn nhằm đôn đốc cũng như ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp tháo gỡ.
Bộ Công Thương cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc đảm bảo nguồn cung trong các dịp lễ tết, trước và sau cơn bão số 3, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh xăng dầu như duy trì hệ thống, báo cáo định kỳ về quỹ bình ổn giá xăng dầu...
"Kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định 80, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, cùng với các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời, đã tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa", cơ quan quản lý cho biết.
Tuyết Nhung