Việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp thông minh và bền vững được coi là yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao.
Những năm gần đây, trung bình hằng năm, vốn FDI trong các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) chiếm khoảng 35%-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đạt khoảng 221,33 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT khoảng 9,33 tỷ USD và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong KCN, KKT là 212 tỷ USD.
Tại một số địa phương, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong/tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm tới hơn 20%, một số địa bàn có KKT ven biển, tỷ lệ này đạt hơn 60% (Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Long An).
Do các cơ sở sản xuất được tập trung trong KCN, khu chức năng trong KKT nên công tác bảo vệ môi trường được kiểm soát chặt chẽ hơn so với doanh nghiệp nằm ngoài các khu này, đặc biệt là công tác xử lý nước thải, chất thải rắn. Vì vậy, có thể nói các KCN, KKT đóng vai trò quan trọng có ý nghĩa hàng đầu trong quá trình chuyển đổi "xanh" của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đồng Trung – Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao chia sẻ tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam năm 2024.
Việt Nam tạo niềm tin tích cực cho các nhà đầu tư nước ngoài
Chia sẻ tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam năm 2024 vừa được tổ chức, với chủ đề: "Kỷ nguyên vươn mình của khu công nghiệp Việt Nam" tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đồng Trung – Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao cho biết, với sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, lực lượng lao động năng động, các chính sách ưu đãi của Chính phủ, sự cởi mở trong hợp tác thương mại, chính sách đầu tư hạ tầng và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Trong đó, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn khá tích cực, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo, cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ cao hơn năm 2023, đạt một mức kỷ lục mới trong giai đoạn 5 năm 2019-2024.
Đáng chú ý, FDI đổ vào Việt Nam dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như công nghiệp chế biến, điện tử, linh kiện ôtô, chất bán dẫn và công nghệ xanh (tính đến ngày 30/9/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 9,02 tỷ USD, chiếm 66,6% tổng vốn đăng ký cấp mới).
"Chúng ta đang chuyển đổi mạnh mẽ từ việc thu hút các dự án sản xuất truyền thống, phát huy lợi thế chi phí lao động thấp, thành thu hút các dòng vốn đầu tư vào công nghệ cao, chuyên sâu, với năng lực sản xuất cao", ông Nguyễn Đồng Trung nói
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đồng Trung, công tác thu hút xúc tiến đầu tư vốn FDI của các KCN hiện nay vẫn còn mang tính cục bộ, lẻ tẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm. Ông Trung nhấn mạnh việc doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, kết nối với các đối tác nước ngoài, khi đó không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp đó, mà còn là câu chuyện xúc tiến cho hình ảnh quốc gia.
Ông Nguyễn Đồng Trung đã đưa ra một số gợi ý nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trước hết,khai thác hiệu quả sự hỗ trợ của các ban bộ ngành trung ương trong triển khai các hoạt động này. "Bộ Ngoại giao sẵn sàng là đầu mối phối hợp với các tổ chức, khu công nghiệp, địa phương để cùng nhau tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài hoặc mời các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam", ông Trung nói.
Bên cạnh đó, cần đầu tư cho công tác nghiên cứu, dự báo, nắm bắt những xu thế, chuyển động của đầu tư trên thế giới, đặc biệt là các lĩnh vực được xác định ưu tiên tạo đột phá cho sự phát triển bền vững như lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo…. Từ đó, phối hợp với các địa phương, bộ ngành để kiến nghị, xây dựng những chính sách thu hút đầu tư phù hợp.
Thực hiện đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động xúc tiến đầu tư cả trong nước và ngoài nước. Trong đó, khuyến nghị đầu tư thích đáng cho các nội dung trình bày, hình thức quảng bá...Bên cạnh đó, có thể xem xét việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư theo hiệp hội, theo Vùng kinh tế hoặc các cụm địa phương, xây dựng hệ sinh thái các khu công nghiệp để phát huy sức mạnh tập thể, lợi thế cạnh tranh, bổ trợ giữa các vùng miền.
Cuối cùng cần quan tâm hơn nữa đến tạo lập niềm tin, gỡ điểm nghẽn cho các nhà đầu tư. Cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu về môi trường, ưu đãi khi đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng rất quan trọng.
"Khi những vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài được giải quyết, việc sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài được thuận lợi, thì chính các nhà đầu tư nước ngoài này sẽ là các ví dụ tiêu biểu để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài khác, truyền đi thông điệp, hình ảnh tích cực của các khu công nghiệp, của địa phương", ông Nguyễn Đồng Trung nhấn mạnh.
Ông Đào Xuân Đức-Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệpTPHCM (HBA) thông tin, TPHCM sẽ tiến hành tái cấu trúc các KCN của Thành phố. Thành phố đang chọn 5 KCN thí điểm trong đó có KCN Hiệp Phước. Đồng thời, sắp tới đây TPHCM sẽ ban hành bộ tiêu chí riêng để các KCN muốn tiếp tục thuê đất phải đáp ứng các tiêu chí này, trong đó tập trung theo hướng các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Ông Đào Xuân Đức cho rằng, khác với gian đoạn 2015-2016, hiện nay chúng ta hạn chế các ngành thâm hụt lao động như dệt may, da giày vì ảnh hưởng nhiều đến hạ tầng xã hội, giao thông, doanh nghiệp lại khó tuyển dụng lao động. Bây giờ là thời kỳ người lao động chọn doanh nghiệp chứ không còn là doanh nghiệp chọn người lao động.
Về môi trường và đầu tư, ông Đào Xuân Đức cho biết, hiện nay các dự án đầu tư vào các khu công nghệ cao bình quân là 15 triệu USD. Như vậy mô hình các KCN mới sẽ như thế nào, việc tổ chức cuộc thi thiết kế các KCN mới cũng là những ý tưởng sáng tạo.
Ông Đào Xuân Đức cũng lưu ý đến những vấn đề về giao thông phải tính toán để phù hợp với KCN, giúp xanh hóa KCN.
Theo ông Đức, thách thức để phát triển các KCN thông minh và bền vững trước hết phải từ nhận thức của lãnh đạo rồi đến các vấn đề hạ tầng, nhân sự, tài chính… Một thách thức nữa đó là tâm lý sợ đầu tư vào các dự án liên quan đến môi trường vì vậy nên có những KCN tập trung riêng về tái chế để bảo vệ môi trường.
Ông Đào Xuân Đức cho biết, TPHCM có chương trình riêng như đối với doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp sinh thái, doanh nghiệp "xanh" sẽ được ưu tiên vay vốn kích cầu; các doanh nghiệp sinh thái sẽ được hưởng thuế ưu đãi giống như các doanh nghiệp công nghệ cao. Đối với thời gian thuê đất, các doanh nghiệp đang chuyển đổi do đó chi phí bỏ ra không ít lại sắp đến thời gian thu hồi đất, vì vậy có thể gia hạn thời gian thuê đất.
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh – Tổng Giám đốc Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam (VIZ) phát biểu tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam năm 2024.
Tăng cường xúc tiến đầu tư thu hút các dòng vốn FDI chất lượng
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh – Tổng Giám đốc Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam (VIZ), cho rằng trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, sự dịch chuyển về chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của thế giới thì các khu công nghiệp của Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để tăng cường xúc tiến thu hút các dòng vốn FDI chất lượng.
Để thay đổi cách tiếp cận, phương thức xúc tiến đầu tư hiện nay, bà Kim Khánh đề xuất, các chủ đầu tư, lãnh đạo các KCN cần đoàn kết đồng lòng để tập trung nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ để cùng nhau đi xúc tiến, tiếp cận các chủ đầu tư lớn của thế giới. Khi đó, chúng ta mới thực sự là một "thế lực", một đối tác xứng tầm với những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới.
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh cũng bày tỏ đồng quan điểm với ông Nguyễn Đồng Trung về việc không dễ tiếp cận được các tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ thế giới nếu như chúng ta không chuẩn bị sẵn hạ tầng nguồn lực để đi xúc tiến, các khu công nghiệp cũng cần có phương thức tiếp cận chuyên nghiệp và bài bản, quy mô hơn. Thậm chí, nếu tập hợp được mạng lưới, tập trung được nguồn lực thì chúng ta có thể cùng nhau mời được các nhà đầu tư tiềm năng về Việt Nam để tăng hiệu quả cho hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thực tế hiện nay, các đầu tư mới phần lớn đều có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn "xanh", thông minh và phát triển bền vững. Nhu cầu của các nhà đầu tư đều đòi hỏi đạt tiêu chuẩn hạ tầng, môi trường để đạt tiêu chí sinh thái và phát triển xanh. Nếu các KCN Việt Nam đáp ứng được các yếu tố "xanh", thông minh, bền vững sẽ là thu hút được các dòng FDI chất lượng.
TS Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV chia sẻ tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam năm 2024.
TS Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - cho rằng các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi do áp lực từ quốc tế và mô hình KCN đã tồn tại quá nhiều năm. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi phải phù hợp năng lực, lộ trình; thông minh trong việc lựa chọn cách tiếp cận, tư duy về KCN phù hợp kinh tế địa phương.
Ông Bùi Thanh Minh cho biết, hiện nay, quỹ đất có vị trí thuận lợi tại các khu vực công nghiệp trọng điểm ngày càng khan hiếm, trong khi cơ sở hạ tầng chưa được phát triển đồng bộ, thủ tục pháp lý trong các khu công nghiệp còn nhiều vướng mắc. Trong bối cảnh đó, các KCN cần phát triển theo hướng một hệ sinh thái toàn diện. KCN phải trở thành những trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các chính sách về vốn, công nghệ.
Diệp Anh