Xanh hóa các khu di tích

Xanh hóa các khu di tích
4 giờ trướcBài gốc
Những vạt rừng tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch xanh.
Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Tuy nhiên, trải qua thời gian, hoặc do việc đẩy mạnh khai thác phát triển du lịch quá đà đã dẫn đến nhiều di tích bị phá vỡ cảnh quan hoặc gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến việc bảo tồn di sản và sự phát triển du lịch bền vững. Chính vì vậy, việc giữ gìn yếu tố xanh cho các di tích đang là vấn đề cấp bách được các cấp, ngành, các ban quản lý di tích quan tâm thực hiện.
Điển hình nhất phải kể đến là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân). Đến đây, du khách được khám phá thiên nhiên xanh mát, khí hậu trong lành, cây cối xung quanh khuôn viên khu di tích được cắt tỉa, chăm chút cẩn thận. Bà Nguyễn Mai Hương, du khách đến từ Ninh Bình cho biết: "Tôi thấy cảnh quan ở đây khá đẹp, không gian vô cùng thoáng đãng. Đặc biệt, khi đến đây tôi được hướng dẫn viên đưa đi tham quan khá nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, tham quan rừng cây cổ thụ xanh mát, trong đó có nhiều loại cây có tuổi đời hàng trăm năm... Cùng với giữ gìn cảnh quan môi trường sạch sẽ, Ban Quản lý Khu di tích còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn du khách giữ gìn vệ sinh chung, vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi ra môi trường"...
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh có tổng diện tích hơn 200ha, trong đó có trên 100ha rừng tự nhiên. Theo khảo sát chưa đầy đủ, rừng Lam Kinh có khoảng 300 - 400 loài thực vật, trong đó có tới 80 loài gỗ quý như lim, lát, dổi, de và nhiều loài dược liệu quý. Đặc biệt, rừng còn có nhiều loại cây được công nhận là cây di sản Việt Nam. Thời gian qua, Ban Quản lý khu di tích đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng Lam Kinh thành điểm đến xanh hấp dẫn du khách. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như tôn tạo cảnh quan, trồng bổ sung cây bản địa, cây cảnh, chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán cây trong các khuôn viên, đưa vào nhân cấy nhiều giống hoa đẹp... Ban quản lý cũng tích cực tuyên truyền đến du khách, Nhân dân sinh sống quanh khu vực thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương quanh khu di tích xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng...
Đến với Khu di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên xanh tươi với bầu không khí trong lành, mát mẻ. Những cây thông, cây tùng bách tán, cây đa... hàng trăm năm tuổi tán xòe rộng phủ bóng mát cả một vùng. Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa Trương Hoài Nam - người phụ trách quản lý khu di tích cho biết: "Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu được bao bọc bởi gần 100ha rừng đặc dụng. Trong những năm qua, ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác bảo vệ rừng đặc dụng, phòng chống cháy nổ rừng, chúng tôi còn chủ động trồng thêm nhiều loại cây xanh, cây hoa và tích cực cải tạo, chăm sóc, từ đó tạo không gian xanh, góp phần đưa nơi đây trở thành điểm đến xanh hấp dẫn du khách".
Xác định việc xanh hóa các khu, điểm di tích là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch xanh mà ngành du lịch của tỉnh đang hướng đến. Bởi vậy, những năm qua các cấp, ngành trong tỉnh đã có kế hoạch dài hơi cho việc xanh hóa các khu di tích lịch sử - văn hóa, trọng tâm là triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động về phát triển du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường; chương trình trồng cây phân tán, bảo vệ và phát triển, nâng cao độ che phủ rừng; thực hiện các dự án đầu tư cải tạo cảnh quan thiên nhiên tại các khu di tích lịch sử - văn hóa; khuyến khích người dân chung tay bảo tồn, cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường tại các di tích... Đồng thời, quan tâm xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý kết nối với các khu, điểm du lịch tâm linh trong tỉnh... Từ đó, góp phần duy trì và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, tạo sức sống “xanh” cho các di tích nhằm thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/xanh-hoa-cac-khu-di-tich-37182.htm