Xu hướng khu công nghiệp xanh
Ông Đỗ Hoàng, Trưởng phòng Quản lý đầu tư, Ban Quản lý các Khu kinh tế (KKT) và KCN tỉnh Quảng Nam cho biết, hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, tuần hoàn, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, Quảng Nam đã và đang chú trọng chuyển đổi các KCN hiện hữu, đầu tư phát triển KCN xanh, gắn với việc áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên (năng lượng, nước, nguyên liệu...); giảm phát thải (với hệ thống xử lý chất thải tiên tiến, tăng cường tái sử dụng, tái chế; trao đổi chất thải giữa các doanh nghiệp); đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và xây dựng không gian xanh, hài hòa với môi trường.
Nằm trong KKT mở Chu Lai, KCN Tam Thăng 2 do CTCP Capella Quảng Nam làm chủ đầu tư có diện tích quy hoạch 103 ha. Đây là KCN có vị trí địa lý thuận lợi, dễ dàng kết nối với sân bay, cảng biển, trung tâm đô thị thông qua Quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và tuyến đường ven biển. Xác định hạ tầng là yếu tố then chốt phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế, chủ đầu tư luôn đặt tiêu chí phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Bởi vậy, toàn bộ nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ các nhà máy trong khu đều được xử lý cục bộ trước khi xả vào hệ thống nước thải chung của KCN.
Trạm xử lý nước thải tại đây được ứng dụng công nghệ hiện đại, có mức độ tự động hóa cao, dễ vận hành, tạo ít bùn thải. Ngoài xử lý triệt để các chất ô nhiễm hữu cơ, công nghệ này còn xử lý được cả các chất vô cơ, kim loại nặng, độ màu, chất rắn lơ lửng... Ưu điểm vượt trội của công nghệ là xử lý hiệu quả các chất ô nhiễm dạng keo có kích thước nhỏ, đặc biệt trong nước thải công nghiệp chứa nhiều chất trơ mà các phương pháp sinh học thông thường không xử lý được. Ông Nguyễn Phương Chính, Phó Giám đốc CTCP Capella Quảng Nam cho biết, KCN Tam Thăng 2 đang hướng đến trở thành một KCN xanh - sạch - đẹp. KCN đã và đang đẩy mạnh các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng chuỗi liên kết giá trị; đồng thời hỗ trợ “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh...
Quá trình chuyển đổi xanh tại các KCN ở miền Trung vẫn còn gặp những khó khăn
Tháo gỡ những “nút thắt”
Theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành công nghiệp Quảng Nam sẽ phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành trụ cột chính của nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư cụm công nghiệp tại nông thôn, miền núi, nhằm phát triển ngành nghề gắn với giải quyết lao động tại chỗ; hạn chế tiếp nhận các ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm.
Nhằm “xanh hóa” KCN, thời gian qua, các cơ quan chức năng địa phương đã ban hành bộ tiêu chí và hướng dẫn sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp; khuyến khích bố trí cán bộ chuyên trách bảo vệ môi trường để giám sát hoạt động. Tỉnh cũng xây dựng và áp dụng Chỉ số GRDP xanh, giúp người dân và doanh nghiệp hưởng lợi khi nền kinh tế tăng trưởng, tiếp tục phát triển các ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình từ “nâu” sang “xanh”. Cách tiếp cận quy hoạch KCN cũng đang chuyển sang hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp. Đặc biệt, Quảng Nam xây dựng chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, “nói không” với các loại hình sản xuất có mức phát thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao. Việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thủ tục pháp lý về môi trường đúng quy định.
Tuy vậy, trên thực tế, quá trình chuyển đổi xanh tại các KCN và doanh nghiệp ở Quảng Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn doanh nghiệp trong KCN có quy mô nhỏ, hạn chế năng lực đầu tư nâng cấp công nghệ, sản xuất tuần hoàn, hoặc đa dạng hóa sản phẩm. Chính sách hỗ trợ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư công nghệ cao. Hạ tầng một số KCN còn hạn chế, thiếu đồng bộ, đầu tư hạ tầng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Vấn đề môi trường, xử lý chất thải, đặc biệt tại các cơ sở chế biến, vẫn còn nhiều thách thức.
Trước những khó khăn đó, ông Lê Quang Triều, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, để chuyển đổi xanh thành công, yếu tố then chốt là phải tuyên truyền sâu rộng đến doanh nghiệp về giá trị và lợi ích của việc xây dựng mô hình bền vững; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các khoản tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, điều kiện vay linh hoạt. Ông Triều kiến nghị thêm, cần thành lập quỹ tín dụng xanh riêng cho các KCN xanh; ban hành tiêu chí đánh giá KCN xanh rõ ràng, cụ thể để đẩy nhanh xét duyệt tín dụng, ưu tiên ngành nghề ứng dụng công nghệ tiên tiến, có tính liên kết chuỗi giá trị xuất khẩu (tăng nội địa hóa, giảm gia công). Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý môi trường và dòng vốn; tăng cường hợp tác công - tư để phát triển bền vững. Các ngân hàng, tổ chức tài chính cần xây dựng sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu đầu tư xanh trong KCN (như xử lý nước thải, năng lượng mặt trời, tái chế nguyên liệu…), tăng cường tiêu chí môi trường trong thẩm định tín dụng. Các chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp trong KCN cũng cần minh bạch các tiêu chí về môi trường, lộ trình chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực lập hồ sơ dự án phù hợp với tín dụng xanh và chủ động phối hợp với các đơn vị tư vấn, ngân hàng, nhà đầu tư.
Trung Anh