Xây dựng ACV thành doanh nghiệp nhà nước chủ lực trong đầu tư cảng hàng không

Xây dựng ACV thành doanh nghiệp nhà nước chủ lực trong đầu tư cảng hàng không
4 giờ trướcBài gốc
Thi công Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Long Thành do ACV làm chủ đầu tư
Nỗ lực vượt khó
“Thử thách chưa từng có; áp lực cao độ; vượt khó bền bỉ; thành công toàn diện” là những cụm từ khái quát nhất về nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ ACV - doanh nghiệp đang quản lý, khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trên cả nước, bao gồm 10 cảng quốc tế và 12 cảng nội địa.
Cần phải nói thêm rằng, ACV bắt đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào tháng 7/2020 - thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng khắp toàn cầu. Đây lại là thử thách, khó khăn kéo dài chưa từng có, làm biến dạng mọi hoạt động của ngành hàng không thế giới, trong đó có những đơn vị nằm trong chuỗi vận tải hàng không như ACV.
Trên thực tế, có tới 3/5 thời gian của nhiệm kỳ 2020 - 2025, ACV phải gồng mình xử lý những tác động không mong muốn của dịch Covid-19. Hệ lụy trực tiếp, lớn nhất là hoạt động vận tải hàng không bị giảm sâu liên tục trong 3 năm 2020-2023. Đặc biệt, phân khúc thị trường quốc tế giảm mỗi năm từ 70% đến 99%.
Không chỉ đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột khu vực (Nga - Ukraine, Trung Đông), chiến tranh thương mại, thảm họa thiên tai, khủng hoảng năng lượng cũng tác động tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh được Đại hội Đảng bộ ACV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra.
Trong bối cảnh đó, Đảng ủy, HĐQT và Ban Điều hành ACV đã đoàn kết, thống nhất, quyết liệt triển khai linh hoạt nhiều giải pháp trên cơ sở bám sát định hướng và lộ trình Chiến lược Phát triển ACV đến năm 2025, cũng như phương án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 để thực hiện bằng được kế hoạch kinh doanh hàng năm được đại hội cổ đông giao.
Cụ thể, trong giai đoạn cao điểm chịu tác động của Covid-19 (2020-2022), Đảng ủy ACV đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị vừa làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh như kiểm soát tối đa các chi phí hoạt động thường xuyên; sắp xếp dây chuyền vận hành khai thác tối ưu, hiệu quả; quản trị dòng tiền chặt chẽ; đẩy nhanh các dự án trọng điểm…
Nhờ đó, trong suốt 3 năm đầu nhiệm kỳ, ACV cơ bản thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển sản xuất - kinh doanh đảm bảo có lợi nhuận, đời sống của người lao động được đảm bảo, các dự án vẫn được triển khai đúng tiến độ.
Ngay khi dịch Covid-19 lắng xuống, hoạt động đi lại bằng hàng không từng bước phục hồi, Đảng ủy ACV đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống xây dựng các giải pháp, hỗ trợ các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở rộng, khôi phục các đường bay đến Việt Nam gắn với việc hoàn thiện các hệ thống quản trị, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Sau 5 năm phấn đấu thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, trong đó có 3 năm phải vật lộn với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các chỉ tiêu chính về lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, tích lũy vốn đầu tư; các cân đối lớn về tài chính của ACV vẫn được giữ vững, đảm bảo dòng tiền cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không.
Cụ thể, tổng doanh thu của ACV từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6/2025 ước đạt 75.109 tỷ đồng, tăng 4,5% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 32.155 tỷ đồng, tăng 30% so với kế hoạch; tổng tài sản liên tục tăng trưởng, từ mức 57.486 tỷ đồng năm 2019 lên 76.500 tỷ đồng năm 2024.
Những kết quả ấn tượng này đã đưa ACV nằm trong số những tập đoàn, tổng công ty nhà nước có kết quả kinh doanh tốt nhất trong giai đoạn 2020 - 2025.
Một thành công rất đáng chú ý khác của Đảng bộ ACV trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đẩy nhanh các dự án đột phá về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, ACV được Đảng và Nhà nước tin cậy giao triển khai nhiều công trình phát triển kết cấu hạ tầng hàng không lớn, trong đó có những dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia như Dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm", "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện", ACV đã khánh thành Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 19/4/2025, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch.
Sau những khó khăn ban đầu, Dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư 99.000 tỷ đồng, là trái tim của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, cũng đang bám sát kế hoạch đề ra, đảm bảo mục tiêu đưa vào khai thác trong năm 2026.
Cùng với các dự án hạ tầng được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2020 - 2025, như Nhà ga hành khách T2 Phú Bài; nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Điện Biên…, đến hết năm 2025, tổng công suất thiết kế nhà ga do ACV vận hành, khai thác đạt 126 triệu lượt khách/năm, tăng 31,5% so với đầu nhiệm kỳ.
Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT đã cùng Ban Điều hành ACV báo cáo và được cấp có thẩm quyền chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 35.830 tỷ đồng thông qua phương thức chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019 - 2023 bằng cổ phiếu.
“Đây là tiền đề quan trọng giúp ACV nâng cao năng lực khai thác, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không ngày càng tăng, đồng thời khẳng định vị thế là đơn vị chủ lực trong ngành hàng không Việt Nam”, ông Vũ Thế Phiệt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết.
Sẵn sàng cho bước bứt phá mới
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Đảng bộ ACV dự kiến chủ đề của nhiệm kỳ 2025-2030 là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ trong hoạt động khai thác cảng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; tăng tốc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đẩy nhanh việc đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển phồn vinh và thịnh vượng.
“Đây vừa là sứ mệnh, vừa là tinh thần, đích đến, thể hiện sự đổi mới tư duy, khẳng định vai trò định hướng để toàn bộ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ ACV đồng thuận và hành động theo”, ông Vũ Thế Phiệt cho biết.
Theo đánh giá của Đảng ủy ACV, giai đoạn 2025-2030, ngành hàng không Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển khi Đảng ta xác định mục tiêu phát triển GDP trên 10%/năm. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế, xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo nhiều động lực phát triển.
Tuy nhiên, lĩnh vực hàng không giai đoạn 2025 - 2030 tiềm ẩn nhiều thách thức khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của ACV, như giá nhiên liệu, chiến tranh thương mại, dịch bệnh, xung đột cục bộ.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ ACV vẫn mạnh dạn đặt một loạt chỉ tiêu phục vụ vượt trội so với giai đoạn 2020 - 2025, trong đó, tổng hành khách đạt hơn 700 triệu lượt; tổng hàng hóa bưu kiện vượt 10 triệu tấn; tổng hạ cất cánh vượt 4,1 triệu lượt.
Về hoạt động kinh doanh, trong giai đoạn 2025 - 2030, ACV phấn đấu đạt tổng doanh thu hơn 148.000 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hơn 30.000 tỷ đồng; tổng tài sản đến năm 2029 hơn 136.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đến năm 2029 hơn 72.000 tỷ đồng.
Đối với hoạt động đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, ACV sẽ đầu tư khoảng 210.000 tỷ đồng để xây dựng, mở rộng các cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh; triển khai giai đoạn II - Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nâng cấp, mở rộng cảng hàng không: Cà Mau, Đồng Hới, Cát Bi… nhằm đưa công suất thông qua hệ thống cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác đạt 179 triệu lượt hành khách/năm (tăng 30% so với nhiệm kỳ trước).
Để đạt được các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh nói trên, Đảng ủy ACV dự kiến trình Đại hội Đảng bộ ACV nhiệm kỳ 2025 - 2030 thông qua một loạt giải pháp đồng bộ, sát với tình hình thị trường; đề xuất kịch bản linh hoạt để kịp thời thích ứng với biến động thị trường.
Tổng công ty sẽ tập trung phát triển sản phẩm dịch vụ kinh doanh cốt lõi, dịch vụ thế mạnh của đơn vị, trong đó sớm hình thành hệ sinh thái, chuỗi sản phẩm và giá trị cần đầu tư trong lĩnh vực hàng không, từ
logistics, nhà ga hàng hóa, đến dịch vụ ăn uống, thương mại, năng lượng…, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả, nhất là trong những lĩnh vực then chốt.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, Tổng công ty sẽ sớm hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chuẩn dịch vụ đồng bộ tại các cảng hàng không; tiến hành rà soát và tối ưu lại quy hoạch mặt bằng thương mại, khu tiện ích đảm bảo khai thác hiệu quả không gia và gia tăng giá trị sử dụng.
Bên cạnh đó, ACV sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh của các dịch vụ phi hàng không từ tự doanh theo hướng hợp tác kinh doanh, nhượng quyền; tổ chức lựa chọn đối tác có thương hiệu, chất lượng cao; ứng dụng chuyển đổi số tích hợp dịch vụ vào app sân bay thông minh nhằm góp phần tăng nguồn thu, nâng tỷ trọng doanh thu dịch vụ phi hàng không trong cơ cấu tổng doanh thu lên mức 25 - 30%.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2025 - 2030, ACV sẽ phối hợp xúc tiến mở đường bay tại các sân bay quốc tế trọng điểm của ACV. Trong đó, sân bay Long Thành được định vị là đầu mối trung chuyển liên lục địa, kết nối châu Á - châu Âu - Bắc Mỹ - Nam Thái Bình Dương; Tân Sơn Nhất và Nội Bài tiếp tục duy trì vai trò trung tâm khu vực; tiếp tục mở rộng mạng bay liên lục địa và tại một số cảng hàng không quốc tế khác như Liên Khương, Phú Bài, Cát Bi.
Đảng ủy ACV sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng, cập nhật hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại ACV giai đoạn 2026-2030; Chiến lược Phát triển giai đoạn 2026-2035, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung xây dựng các chính sách, giải pháp hiệu quả công tác đổi mới, sắp xếp và tinh gọn bộ máy tổ chức, nhân sự của ACV theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm tầng nấc trung gian khi xử lý công việc, hạn chế chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình hoạt động, khai thác các mảng dịch vụ một cách đồng bộ, hiệu quả.
“Chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, làm nền tảng cho sự phát triển đột phá của ACV trong giai đoạn tới và xây dựng hệ thống "cảng hàng không xanh, số, thông minh", hiện đại, tiên tiến, ngang tầm quốc tế. Qua đó, góp phần đưa các cảng hàng không Việt Nam trở thành là biểu tượng của một kỷ nguyên phát triển mới theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ”, lãnh đạo ACV cho biết.
Anh Minh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/xay-dung-acv-thanh-doanh-nghiep-nha-nuoc-chu-luc-trong-dau-tu-cang-hang-khong-d340433.html