Xây dựng Bình Định thành điểm đến khoa học

Xây dựng Bình Định thành điểm đến khoa học
một ngày trướcBài gốc
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo "AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế"
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Hải Giang cho biết, trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, Tỉnh ủy Bình Định đã có hai chương trình hành động về phát triển khoa học-công nghệ và đạt nhiều kết quả tích cực. So với một số địa phương khu vực duyên hải miền trung, Bình Định có xuất phát điểm về khoa học-công nghệ tương đối thuận lợi.
Đến nay, tỉnh đã hình thành 10 doanh nghiệp khoa học-công nghệ và hỗ trợ thương mại hóa nhiều sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tỉnh đã có 33 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, được cấp ba bằng độc quyền sáng chế và ba bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng dỡ bỏ rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo.
Thành lập ngày 24/12/2015, Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn (ExploraScience Quy Nhon) được xem là trung tâm khoa học đầu tiên của nước ta, trung tâm thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. ExploraScience Quy Nhon là một phần trong chương trình phát triển du lịch khoa học của Bình Định, có sứ mệnh đưa khoa học đến gần hơn với công chúng, đồng thời thúc đẩy tình yêu khoa học cho giới trẻ.
Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn đang đề xuất tự nghiên cứu, tìm hiểu, sản xuất, chế tạo các mô hình để phổ biến khoa học. Trung tâm còn chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thiên văn học, đặc biệt là sự phối hợp với nhóm nghiên cứu thiên văn SAGI của Trung tâm ICISE. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý đặt tại Khu đô thị Khoa học Quy Hòa, Trung tâm đang xây dựng, đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hình thành mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ứng dụng các giải pháp công nghệ, trí tuệ nhân tạo để đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Liên quan dự án Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ vũ trụ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng dự án, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, dự án được đầu tư tại thung lũng Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn), gần Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo Quy Nhơn. Dự án khi đi vào hoạt động giúp phổ biến các ngành khoa học về thiên văn, hàng không vũ trụ với các thiết bị, học liệu tiên tiến. Về lâu dài, dự án sẽ phát triển thành đầu mối thu thập, xử lý hình ảnh viễn thám lớn ở khu vực miền trung-Tây Nguyên, qua đó tham gia các mạng lưới nghiên cứu nhằm thừa hưởng hoặc liên kết, chuyển giao các linh kiện, phụ kiện, trang thiết bị về thiên văn.
Ngoài ra, tỉnh đang phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa với nòng cốt là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), đồng thời xây dựng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo-Đô thị phụ trợ, tiến đến hình thành Trung tâm Trí tuệ nhân tạo tại Bình Định. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm ICISE đã thu hút hơn 10 nghìn nhà khoa học quốc tế đến tham dự các hội thảo khoa học, trong đó có nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới, đặc biệt là sự hiện diện của không ít nhà khoa học đã từng đoạt các giải thưởng cao quý tới ICISE thuyết trình. Đây là cơ hội rất quý cần sử dụng để phát triển khoa học-công nghệ trong nước nói chung, đặc biệt tỉnh Bình Định cần triệt để tận dụng lợi thế “có một, không hai” này so với các vùng miền trong cả nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Trung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trường đại học Quy Nhơn) cho biết, yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra thách thức, thúc giục các quốc gia, đặc biệt các quốc gia đang phát triển phải tập trung đầu tư vào lĩnh vực khoa học-công nghệ để phát triển bền vững. Do vậy, Bình Định muốn phát triển Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam là hướng đi đúng đắn. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến về trải nghiệm khoa học, khoa học gắn với thực tế cuộc sống.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Bình Định đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hiện tại, tiềm năng và lợi thế của Bình Định trong phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất lớn.
Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục phát triển và nâng cao tiềm lực về khoa học và công nghệ; tập trung hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cũng như đổi mới công nghệ trong các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ mới và công nghệ cao trong các dự án đầu tư và sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh cần tiếp tục nỗ lực triển khai các chương trình và nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp quốc gia và cấp tỉnh nhằm tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương.
LƯƠNG TÙNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/xay-dung-binh-dinh-thanh-diem-den-khoa-hoc-post853009.html