Sau hơn 3 năm thực thi, những kết quả tích cực Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Anh đã được khẳng định rõ ràng. Đặc biệt, trong bối cảnh trao đổi thương mại của Việt Nam với hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm tại sụt giảm do căng thẳng địa chính trị và những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh là một điểm sáng.
Thông tin này được các diễn giả đưa ra tại Tọa đàm Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh: Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 30/10 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Cựu tham tán công sứ tại Anh. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Cảnh Cường, Cựu tham tán công sứ tại Anh cho biết: Ngoài điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi, bản thân doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu, tìm kiếm thông tin thị trường, kể cả những thông tin cơ bản nhất. Hơn nữa, một số doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tốt nhưng không có phương pháp tiếp cận thị trường. Cùng đó, hạn chế trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin một cách có hệ thống từ các nguồn nước ngoài cũng như không nắm biết về các tiêu chuẩn thị trường, doanh nghiệp để lỡ cơ hội có thể kết nối được đối tác mua hàng tiềm năng.
Ông Vũ Việt Thành- Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Theo ông Vũ Việt Thành- Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), từ năm 2021, Hiệp định UKVFTA có hiệu lực đã trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Rõ nhất là tác động đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sang Anh được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định UKVFTA.
Sau hơn 3 năm triển khai thực thi hiệp định, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục và ổn định. Cuối năm 2023, có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường mũi nhọn ở khu vực châu Âu giảm chưa từng có tiền lệ, đều giảm ở mức hai con số. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định.
Nếu tính trong cả 3 năm thực thi Hiệp định UKVFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng trung bình 8,9%/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm.
“Đây là mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam hay tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam sang EU hoặc sang châu Âu nói chung trong 9 tháng năm 2024. Thặng dư thương mại của Việt Nam duy trì với Anh trong 9 tháng qua cũng ở mức 5,1 tỷ USD, tăng 24 % so với cùng kỳ năm ngoái”- ông Vũ Việt Thành thông tin.
Mặt khác, Hiệp định UKVFTA với các lệnh gỡ bỏ thuế quan triệt để cũng góp phần quan trọng để nâng cao thị phần của một số nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Vương quốc Anh.
Theo số liệu tổng hợp được từ ITC's Trade Map, hiện nay có một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang đứng đầu phân khúc thị trường Anh. Đơn cử, sản phẩm tiêu, hạt điều tách vỏ, giày dép, cà phê; thủy sản đang đứng ở vị trí thứ 5 và may mặc đang đứng ở vị trí thứ 6.
Trong năm 2023 vừa qua, với những nỗ lực của rất nhiều những cơ quan hữu quan trong nước đã đưa một số mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch của thị trường Anh, như: cam, quýt, bưởi, vải, sầu riêng. Cùng đó, kiên trì làm việc với nỗ lực rất lớn của Thương vụ Việt Nam tại Anh, đã giúp cho sản phẩm thanh long của Việt Nam tiếp tục được lưu thông bình thường trên thị trường.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay: Lợi thế mà FTA mang lại đó là ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, những mặt hàng chính của ngành hàng thủy sản có dòng thuế nhập khẩu đã chuyển về 0% ngay, cụ thể là mặt hàng tôm, cá tra. Hiện nay mặt hàng tôm đang chiếm 70% tổng kim ngạch mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh và tiếp theo là mặt hàng cá tra cũng vậy, chiếm 20%.
Có nghĩa là hai mặt hàng chủ lực này đã chiếm 90% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu trung bình trong3 năm vừa qua, khoảng 300 cho đến 350 triệu USD trong một năm, tức là chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam ra toàn cầu.
Ở góc độ ngành hàng, Hiệp hội đã đưa Anh vào một thị trường đơn lẻ nằm trong tuyến đánh giá thường xuyên hàng tuần để cộng đồng doanh nghiệp có thông số để tham khảo về xu hướng thị trường, cạnh tranh với các quốc gia khác.
Để nâng cao hiệu quả của chiến lược cũng như là cách tìm kiếm thông tin thị trường, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng cần sự đồng hành, hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, các bộ ngành. Bởi, Hiệp định là một điều kiện cần; điều kiện đủ chính là các quá trình nội luật và cải cách thủ tục hành chính và quy định hành chính sẽ làm cho doanh nghiệp Việt có thêm năng lực cạnh tranh.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Nhằm nâng cao hiệu quả của chiến lược tiếp cận cũng như là tìm kiếm thông tin thị trường khi xuất khẩu sang Anh, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thông tin thị trường và xây dựng chiến lược xuất khẩu. Nhà nước có thể giúp hỗ trợ những chi phí để doanh nghiệp mua những thông tin thị trường; đăng ký cấp chứng nhận, không phải chỉ có hỗ trợ về mặt kỹ thuật mà còn về mặt tài chính. Ngoài ra, Bộ Công Thương hay các hiệp hội doanh nghiệp nên hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các trang web theo tiêu chuẩn Anh và đạt được sự kỳ vọng của các doanh nghiệp Anh.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Vũ Việt Thành khẳng định: Tới đây, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin thị trường, tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về phát triển bền vững này, sản xuất xanh, xây dựng thương hiệu… Cùng đó, thông qua các cơ chế hợp tác, đặc biệt là các Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Vụ sẽ tiếp tục vận động chính sách với đối tác thương mại nhằm tháo gỡ các rào cản để tiếp cận thị trường, qua đó nhằm hạn chế tối đa gánh nặng và chi phí xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Vụ sẽ tăng cường trao đổi với các quốc gia, đối tác để làm rõ quy định, đặc biệt là về tiêu chuẩn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là thông qua kênh phân phối, đưa hàng hóa Việt Nam vào kênh phân phối, tập đoàn thu mua lớn trên thế giới.
Uyên Hương/BNEWS/TTXVN