Luật Thủ đô 2024
GS.TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tham luận tại hội thảo Ảnh: Đình Hiệp
Tổ chức và thực hiện các chính sách, đặc thù
Ngày 14/11, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15): Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phát biểu tham luận. Trong đó, GS.TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã tham luận về “Xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô theo định hướng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện Luật Thủ đô năm 2024”.
Theo GS.TS. Trần Ngọc Đường, mục tiêu tổng quát của việc xây dựng chính quyền Thủ đô là xây dựng nền hành chính Thủ đô thực sự dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Luật Thủ đô là quy định các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô. Vì vậy, nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa của HĐND và UBND các cấp, nhất là cấp TP đối với các cơ chế đặc thù dành cho thủ đô phù hợp với từng cấp chính quyền là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện Luật Thủ đô.
Cụ thể, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền giữa cấp chính quyền TP với chính quyền cấp quận, giữa chính quyền cấp quận với chính quyền phường, xã trong việc tổ chức và thực hiện các chính sách, đặc thù.
Đồng thời, tổ chức thực hiện Luật Thủ đô năm 2024 để sớm đưa những nội dung mới của Luật Thủ đô vào cuộc sống; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô theo các quy định mới của Luật Thủ đô năm 2024...
TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính, Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tham luận tại hội thảo Ảnh: Đình Hiệp
Kiểm soát chất lượng của các văn bản quy định chi tiết
Tham luận về ban hành văn bản quy định chi tiết một số nội dung của Luật Thủ đô 2024, TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính, Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, trong quá trình soạn thảo, ban hành những văn bản quy định chi tiết, cần tuân thủ đúng những quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Cụ thể là tuân thủ quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định về ban hành văn bản quy định chi tiết; quy định về trách nhiệm lập danh mục văn bản quy định chi tiết; quy định về triển khai xây dựng văn bản quy định chi tiết.
Về tiến độ, trên cơ sở quy định của pháp luật, để kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ cũng như các cơ quan của TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cho từng cơ quan triển khai thực hiện vì số lượng văn bản quy định chi tiết khá nhiều. Trong đó tập trung nguồn lực ưu tiên xây dựng những quy định chi tiết ban hành, có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Thủ đô có hiệu lực.
Một góc hình ảnh quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Phương.
Theo TS Đoàn Thị Tố Uyên, đối với những nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 là những nội dung phức tạp, cần thực hiện việc nghiên cứu kỹ và triển khai việc xây dựng văn bản, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành trong quý I, II/2025.
Các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản cần chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất những nội dung trọng tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm, có hiệu lực cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.
Đối với những nội dung còn cần nghiên cứu, đánh giá, bảo đảm các điều kiện thực tiễn, nguồn lực thực hiện, sự đồng thuận của xã hội thì thực hiện thận trọng, chắc chắn, đề xuất ban hành khi đã đánh giá đầy đủ các yếu tố liên quan, phù hợp để triển khai thực hiện...
"Chất lượng của các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô được đánh giá trên cơ sở các tiêu chí về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi... Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuộc trách nhiệm của cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo nghị định, nghị quyết, quyết định và thông tư trong giai đoạn soạn thảo văn bản”- TS. Đoàn Thị Tố Uyên nhấn mạnh.
Công Phương