Xây dựng cơ sở dữ liệu để đo lường việc thực hiện giải ngân đầu tư công

Xây dựng cơ sở dữ liệu để đo lường việc thực hiện giải ngân đầu tư công
8 giờ trướcBài gốc
Điểm lại kết quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đặc biệt là 10 bộ, cơ quan và 36 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển hạ tầng chiến lược của đất nước như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025.
Thủ tướng nhắc nhở và yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp, thậm chí chưa giải ngân phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới. Các địa phương được giao nhiều vốn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bình Dương... cần nỗ lực, cố gắng hơn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, từ đó thúc đẩy đầu tư công năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhằm tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; tạo không gian phát triển mới; giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào của hàng hóa; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải bám sát công việc, sát sao, đôn đốc, kiểm tra, xử lý ngay các vướng mắc, khó khăn phát sinh tại các công trình, dự án; vận dụng một cách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các nghị quyết, các luật, nhất là các nghị quyết, các luật mới được sửa đổi, bổ sung, ban hành để tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; xây dựng cơ sở dữ liệu về đầu tư công, về môi trường, đất đai, các nhà thầu... để đo lường việc thực hiện giải ngân đầu tư công.
Thủ tướng chỉ rõ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bí thư và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đầu tư công với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việt đó, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền.
Các bộ, ngành và các địa phương phối hợp thúc đẩy giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với sự chỉ đạo của người đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện nghiêm việc cấp mỏ vật liệu, hỗ trợ, điều chuyển vật liệu thông thường cho các dự án theo chỉ đạo.
Các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, làm căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương áp dụng, triển khai dự án. Rà soát tất cả các quy hoạch, đề xuất giải quyết triệt để các vấn đề chồng chéo, chồng lấn. Thúc đẩy triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ - mỹ thuật công trình; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường và đặc biệt là không xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định liên quan đến vốn ODA, sửa các quy định, tránh thủ tục rườm rà, gây ách tắc các dự án; sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng tăng cường trách nhiệm trong lựa chọn các nhà thầu, đấu thầu, song phải thông thoáng, dễ làm, đạt hiệu quả.
Các bộ: Tài chính, Xây dựng, Dân tộc và Tôn giáo, Nông nghiệp và Môi trường, Nội vụ... thực hiện phân cấp, phân quyền, giao cho các địa phương thực hiện các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án giao thông, nhất là các dự án giao thông kết nối, trên nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Riêng việc mở rộng các dự án đường bộ cao tốc, Thủ tướng nhất trí thực hiện theo phương thức hợp tác công tư.
"Trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn và hồ sơ pháp lý phù hợp với thay đổi về địa giới hành chính và phân cấp, phân quyền, tránh ách tắc khi thay đổi đơn vị nhận vốn, chủ thể ký hợp đồng, quyết định đầu tư", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của 7 Tổ công tác của Thủ tướng và các Tổ công tác của các bộ, ngành, địa phương về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách từng dự án, nhóm dự án gắn với chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo ngay cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị kỹ, tổ chức tốt, truyền thông hiệu quả Lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trên cả nước chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; tập trung hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc, 1.000km đường ven biển, khởi công tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng.
Nhắc lại phương châm "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, thời gian tới, các khó khăn, vướng mắc, hạn chế sẽ được khắc phục hiệu quả, thực hiện đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công như đã đề ra.
TTXVN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/xay-dung-co-so-du-lieu-de-do-luong-viec-thuc-hien-giai-ngan-dau-tu-cong-829147