Xây dựng Cửa khẩu thông minh hiện đại, tiện ích, giảm thiểu phiền hà

Xây dựng Cửa khẩu thông minh hiện đại, tiện ích, giảm thiểu phiền hà
7 giờ trướcBài gốc
Hải quan Lạng Sơn trao đổi kinh nghiệm với Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) về xây dựng Hải quan số. Ảnh Tô Hà.
Phấn đấu tăng năng lực thông quan gấp 4-5 lần
Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn. Theo đó, thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Áp dụng riêng biệt với một số mặt hàng cụ thể
Mô hình Cửa khẩu thông minh thực hiện trong một phạm vi tách biệt, khép kín, áp dụng đối với một số chủng loại mặt hàng cụ thể trong thời gian thí điểm. Bên cạnh đó, phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống vẫn được duy trì hoạt động đồng thời. Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thông quan theo mô hình Cửa khẩu thông minh gồm: hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc…
Đề án này đặt ra mục tiêu khẳng định khu vực này là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác. Đồng thời, xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay; hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại.
Đề án đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 gấp 4 - 5 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 3.000 - 3.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 2.000 - 2.500 xe/ngày.
Ngoài ra, phấn đấu đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 đạt khoảng 85 tỷ USD, qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 đạt khoảng 25 tỷ USD.
Việc thí điểm xây dựng mô hình này ở Hữu Nghị cũng có một số điểm thuận lợi. Trước tiên là nền tảng cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn đã kết nối với hệ thống của Tổng cục Hải quan và hệ thống đăng kiểm của Bộ Giao thông vận tải. Đến nay, cửa khẩu số vẫn duy trì hoạt động ổn định, có 2.092 tài khoản đăng ký sử dụng; 100% doanh nghiệp khai báo trực tuyến. Đây sẽ là một cơ sở dữ liệu quan trọng để cung cấp cho quá trình xây dựng Cửa khẩu thông minh.
Bên cạnh đó, theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Anh Tài, chất lượng dịch vụ vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, dịch vụ hải quan nói chung của Lạng Sơn ngày càng được nâng cao, phù hợp với nhu cầu của chủ hàng, doanh nghiệp trong nước và đối tác Trung Quốc. Với những hiệu quả đạt được thời gian qua, những kỳ vọng trong tương lai gần, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm hơn nữa thời gian, giảm tải áp lực công việc và chi phí trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng sôi động, lượng hàng hóa tăng cao.
Điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện thể chế
Sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và các sở, ban, ngành tỉnh Lạng Sơn đã gấp rút bắt tay vào công tác triển khai.
Ban Quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) và Văn phòng cửa khẩu Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) đã có nhiều cuộc hội nghị thảo luận song phương về việc thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh.
Theo ông Vũ Quang Khánh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, hiện nay các cơ quan đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch có liên quan về xây dựng, đất đai, lập 3 dự án đầu tư hạ tầng tại 2 tuyến đường chuyên dụng mốc 1119-1120 và 1088/2-1089 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tỉnh cũng đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 lên quy mô 14 làn xe ngay trong giai đoạn 1 (hoàn thành đầu tư trong quý II/2026).
Trong buổi khảo sát và làm việc với tỉnh Lạng Sơn về nội dung này hồi cuối tháng 9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo tỉnh nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; lập dự án khả thi, nhất là các công trình phụ trợ và công trình mở rộng tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt phải bảo đảm Cửa khẩu thông minh hiện đại, tiện ích, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp,… đáp ứng nhu cầu phát triển.
Cách đây vài ngày, Bộ Tài chính cũng ban hành Kế hoạch chi tiết để triển khai Đề án này. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì việc nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cùng với đó, chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 85/2019/NĐ-CP về việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; quản lý để phù hợp với mô hình trao đổi dữ liệu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Từ nay đến hết quý 1/2025, Tổng cục Hải quan cũng sẽ tiếp tục trao đổi, thống nhất với phía Hải quan Trung Quốc để thống nhất về chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu; nội dung, phương thức, tần suất tiếp nhận, xử lý dữ liệu thông tin tờ khai hải quan...
Hình thành trung tâm logistics quy mô, hiện đại tại Lạng Sơn
Lạng Sơn có một hệ thống cửa khẩu đa dạng với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và 9 cửa khẩu phụ. Lạng Sơn cũng có hệ thống giao thông quan trọng kết nối trong nước và quốc tế, thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho phát triển xuất nhập khẩu của cả nước qua địa bàn và đầu cầu quan trọng kết nối khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Với vị trí “cầu nối” quan trọng như vậy, nên thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất sôi động. 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 46.362,2 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ tính riêng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn 9 tháng qua cũng đạt 4.005 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu cũng khá cao, trung bình đạt khoảng 1.300 lượt xe/ngày, cao điểm lên đến gần 1.500 lượt xe/ngày.
Để hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra thuận lợi, thông suốt và hiệu quả, tỉnh Lạng Sơn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, cung ứng các dịch vụ logistics. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 39 doanh nghiệp đầu tư dịch vụ kho bảo quản hàng hóa, bãi xe tại khu vực cửa khẩu. Trong đó, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 28 kho bảo quản hàng hóa tại các cửa khẩu (8 kho lạnh và 20 kho hàng khô); 23 bến bãi xe phục vụ xe lưu chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa. Các dịch vụ kho bảo quản hàng hóa, các bến, bãi xe tại cửa khẩu cơ bản đã được đầu tư xây dựng đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, lưu thông hàng hóa an toàn theo quy định, qua đó đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn.
Phát huy những kết quả đạt được, với định hướng hình thành trung tâm logistics tầm cỡ, thúc đẩy giao thương qua biên giới, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng và nâng cấp hạ tầng phục vụ hoạt động logistics.
Việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu thông suốt, logistics phát triển là nền tảng thuận lợi cho việc thí điểm thành công mô hình Cửa khẩu thông minh sau này./.
Hồng Vân
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xay-dung-cua-khau-thong-minh-hien-dai-tien-ich-giam-thieu-phien-ha-162911-162911.html