Xây dựng đạo đức khi sử dụng AI trong giáo dục: Giáo viên đóng vai trò trung tâm

Xây dựng đạo đức khi sử dụng AI trong giáo dục: Giáo viên đóng vai trò trung tâm
4 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh công nghệ đang tái định hình nhiều lĩnh vực của đời sống, trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng hiện diện rõ nét trong giáo dục – cả trên thế giới và tại Việt Nam.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho biết: “Theo khảo sát của Ford thực hiện vào tháng 6/2024, 65% giáo viên bắt đầu ứng dụng AI vào giảng dạy, và 55% trong số đó đánh giá AI góp phần nâng cao chất lượng dạy học và giảm bớt áp lực hành chính.”
Phát triển khung năng lực AI cho người học
Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định Khung năng lực số cho người học, trong đó, AI được xác định là một trong sáu miền năng lực cốt lõi cần phát triển. Việc phát triển năng lực AI cho người học cần bắt đầu từ chính lớp học, với người thầy, người cô là trung tâm. Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người dẫn dắt, khơi gợi tư duy và tạo môi trường để học sinh sử dụng AI một cách chủ động và có trách nhiệm để cải thiện chất lượng giáo dục.
Cụ thể, đối với người học, AI giúp thu thập và xử lý các dữ liệu học tập, từ đó phát triển quỹ đạo giáo dục cá nhân, tạo môi trường tối ưu để phát huy hết tiềm năng của người học; cải thiện kết quả học tập qua việc đánh giá thành tích học tập bằng nhiều phương pháp, chỉ số. Ngoài ra, AI góp phần tăng cường kết nối, hỗ trợ người học hình thành thế giới quan, phát triển kỹ năng nhận thức, xã hội và cảm xúc, đồng thời giúp xác định, dự đoán và ngăn chặn sớm các tình huống khủng hoảng ảnh hưởng đến tinh thần của người học. Đối với người dạy, yếu tố tích cực và dễ nhận thấy nhất là AI giúp phát triển chuyên môn và tự phân tích, tăng hiệu suất công việc và tiết kiệm thời gian.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong giáo dục cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là về khía cạnh đạo đức bao gồm: quyền riêng tư, bảo vệ và sử dụng dữ liệu người học; ngăn chặn phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc, đặc điểm kinh tế - xã hội và sự khác biệt về trình độ năng lực; ngăn chặn sự lây lan của các định kiếnxã hội và văn hóa...
“Việc phát triển các khuôn khổ pháp lý và đạo đức trong ứng dụng AI vào giáo dục là yếu tố sống còn để đảm bảo công nghệ này được sử dụng một cách có trách nhiệm, công bằng và nhân văn. AI không chỉ là công cụ hỗ trợ kỹ thuật mà còn tác động sâu sắc đến tư duy, hành vi và giá trị của cả giáo viên lẫn học sinh. Với vai trò giáo viên, nội dung kiến thức về đạo đức AI là rất cần thiết và quan trọng, chính giáo viên sẽ là những người dẫn dắt, giúp học sinh hiểu được ý nghĩa, tiềm năng giới hạn và những huyễn tưởng của AI” - PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ mối quan tâm về đạo đức AI trong giáo dục
Cần có trách nhiệm và đạo đức khi sử dụng AI trong giáo dục
Ứng dụng AI trong giáo dục là xu thế tất yếu, tuy nhiên, AI cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như việc sử dụng dữ liệu không minh bạch hoặc tạo ra các kết quả thiên kiến. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, “Quản trị rủi ro AI trong giáo dục đòi hỏi sự kết hợp giữa hiểu biết đạo đức, giám sát chặt chẽ và giáo dục có trách nhiệm. Giáo viên, với vai trò trung tâm, không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn định hướng học sinh sử dụng AI một cách hiệu quả, có đạo đức, và sáng tạo, từ đó chuẩn bị cho các em hành trang để trở thành những công dân số có trách nhiệm trong một thế giới ngày càng số hóa.”
Theo Khung năng lực về AI do UNESCO ban hành năm 2024, UNESCO dùng cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm cho AI trong giáo dục, nhấn mạnh việc nâng cao các năng lực con người và thúc đẩy công bằng xã hội, tính bền vững và phẩm giá của con người. Điều này phù hợp với các nguyên tắc được nêu trong Hướng dẫn của UNESCO về AI tạo sinh trong giáo dục và nghiên cứu cũng như Khuyến nghị về đạo đức của Trí tuệ nhân tạo năm 2021. Các khung này cung cấp lộ trình rất cần thiết cho các quốc gia để phát triển các chiến lược giáo dục AI sáng suốt, có đạo đức, và toàn diện.
Nhiều tổ chức quốc tế như OECD, Liên minh châu Âu và các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Australia… đã chủ động xây dựng các khuyến nghị và hướng dẫn về đạo đức AI. Tuy vậy, theo báo cáo của TeachAI vào tháng 9/2023, chỉ khoảng 7% các hệ thống giáo dục trên thế giới ban hành hướng dẫn liên quan đến việc sử dụng AI tạo sinh. Chỉ một số rất ít quốc gia có chính sách riêng biệt về đạo đức cho AI trong giáo dục, trong khi đó, theo báo cáo của The Center for Democracy and Technology, 81% phụ huynh và 72% học sinh cho rằng việc có hướng dẫn cụ thể giúp học sinh sử dụng AI đúng cách trong học tập là điều cần thiết.
Tại Việt Nam, các cơ sở đào tạo và tổ chức giáo dục đã bắt đầu đưa ra các định hướng cụ thể để giáo viên thực sự đảm đương vai trò trung tâm trong thời đại giáo dục số. Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) đã có quy chế sử dụng AI đối với giảng viên, sinh viên. Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng tuyên bố chung về chiến lược và quan điểm tiếp cận AI trong hoạt động nghiên cứu, quản trị; tích cực phối hợp cùng các đơn vị giáo dục như Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Khan Academy, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam) tổ chức các buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề sử dụng AI trong giáo dục.... Ở tầm quốc gia, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đang triển khai dự án nghiên cứu xây dựng bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn cho phát triển AI có trách nhiệm ở Việt Nam.
Không nằm ngoài nỗ lực hỗ trợ giáo viên thích ứng với công nghệ, những khóa học về AI dành cho giáo viên và hoàn toàn miễn phí nhanh chóng ra đời, như khóa học “AI trong giáo dục” do Khan Academy Vietnam Việt hóa từ khóa học “AI for education” xây dựng bởi các tổ chức uy tín như Code.org, Common Sense Education, aiEDU. Khóa học mong muốn cung cấp nền tảng về cách ứng dụng AI một cách hiệu quả và có đạo đức trong lớp học, nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong việc định hướng học sinh sử dụng AI đúng mục đích, có trách nhiệm và nhân văn trong kỷ nguyên số. Đồng tình với mục tiêu của khóa học trên, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, “Trong thế giới của AI tạo sinh, đặc biệt trong quá trình quản trị rủi ro, chính giáo viên sẽ đóng vai trò trung tâm bằng cách tự nâng cấp bản thân với đạo đức AI để hiểu cách AI hoạt động, nhận diện các rủi ro tiềm ẩn, và đánh giá tính công bằng của dữ liệu đầu vào.”
Giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ trong dạy và học.
Đặt trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích học sinh tự học, AI hoàn toàn có thể trở thành trợ lý học tập để giáo viên dẫn dắt học sinh làm chủ công nghệ, vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình với bản lĩnh dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội. Ông Đỗ Ngọc Minh, đồng sáng lập chương trình Khan Academy Vietnam, Giám đốc chương trình tài nguyên giáo dục mở Việt Nam (VOER) khẳng định: “Trí tuệ nhân tạo có thể đóng vai trò như một gia sư cá nhân, giúp phân tích điểm mạnh, điểm yếu của người học và đưa ra lộ trình phù hợp. Công nghệ giúp kết nối người học với các cộng đồng tri thức trên toàn cầu, tạo ra động lực tự học và giúp duy trì việc học tập suốt đời."
Minh Huệ
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/xay-dung-dao-duc-khi-su-dung-ai-trong-giao-duc-giao-vien-dong-vai-tro-trung-tam-311988.html