Xây dựng Đề án phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Sông Thanh

Xây dựng Đề án phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Sông Thanh
14 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Trần Nam Hưng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với xã Bến Giằng.
Phát huy lợi thế, tiềm năng to lớn
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Hồng – Giám đốc Vườn Quốc gia Sông Thanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Vườn Quốc gia Sông Thanh tổ chức tổng cộng 199 đợt tuần tra, kiểm tra rừng. Qua đó phát hiện và tháo gỡ 1.809 dây bẫy các loại, phá hủy 53 lán trại trái phép, tạm giữ 2 khẩu súng, 81 viên đạn chì, 1 biến kích điện dùng để đánh bắt cá; lập biên bản và bàn giao cho Hạt Kiểm lâm xử lý 3 vụ vi phạm. Đối với 75 hầm vàng sau khi đánh sập được quản lý tốt, không để tái diễn tình trạng khai thác trái phép. Bên cạnh đó, hiện nay vào mùa cao điểm về khai thác quả ươi bay, nhưng người dân đã được tuyên truyền tốt, không có việc chặt hạ cây ươi trong lâm phận vườn.
Về công tác phát triển rừng, năm 2025, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh được UBND tỉnh Quảng Nam giao trồng mới 95,50ha, ngoài ra còn tổ chức chăm sóc 265,937ha; thực hiện công tác chăm sóc cây dược liệu “Sâm Ngọc Linh” di thực trồng trong lâm phận vườn, đến nay có 746 cây sống, trong đó có 274 cây phát triển ra lá mới và 472 cây đâm chồi; triển khai nghiên cứu, nuôi cấy thử nghiệm nấm linh chi Lim Xanh trên các giá thể túi bầu mùn cưa lim, đã nuôi cấy được 658 túi nấm sinh trưởng phát triển tốt…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Vườn Quốc gia Sông Thanh kiến nghị lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Vườn tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BQL Vườn Quốc gia Sông Thanh (thay thế Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 9-3-2022 của UBND tỉnh Quảng Nam); xem xét, tham mưu cho UBND thành phố bổ sung giao đủ 64 biên chế viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao; đề nghị Sở Tài chính quan tâm tham mưu UBND thành phố cấp bổ sung kinh phí để tổ chức thực hiện đầu tư mua phương tiện (xe ô-tô bán tải), máy phát điện, trang thiết bị phòng họp trực tuyến để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng; bố trí vốn để đầu tư hệ thống điện, thông tin liên lạc nhằm phục vụ du lịch sinh thái…
Phó Chủ tịch Trần Nam Hưng tặng quà cho lãnh đạo Vườn Quốc gia Sông Thanh.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo Vườn Quốc gia Sông Thanh và các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến mà Vườn Quốc gia Sông Thanh đã cố gắng trong nhiều năm qua. “Qua ghi nhận thực tế tại một khu vực nhỏ trong lâm phận vườn, tôi nhận thấy sứ mệnh quản lý, bảo vệ rừng của cán bộ, nhân viên của đơn vị rất hiệu quả, rất đáng biểu dương. Những cây cổ thụ lớn, những loài chim, thú quý hiếm được bảo tồn, phát triển cho thấy những kết quả công tác bảo tồn, phát triển rừng tại đây rất tốt”- Phó Chủ tịch Trần Nam Hưng biểu dương.
Theo Phó Chủ tịch Trần Nam Hưng, để tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, phát huy lợi thế, tiềm năng to lớn đó, lãnh đạo Vườn Quốc gia Sông Thanh cần làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lớn mạnh, tâm huyết, có đam mê bảo vệ, phát triển rừng. Song song với việc bảo tồn và phát triển rừng thì đơn vị cần xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng để chủ động phòng ngừa, ứng phó nếu có sự cố xảy ra.
Nhằm phát huy giá trị của Vườn Quốc gia Sông Thanh cũng như bản sắc văn hóa, truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Nam Hưng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Vườn Quốc gia Sông Thanh xây dựng Đề án phát triển du lịch để trình lãnh đạo thành phố phê duyệt, đến cuối năm nay phải hoàn thành; chủ vườn cần xây dựng đề cương để kêu gọi sự hỗ trợ kinh phí của các tổ chức thế giới trong việc bảo tồn, phát triển hệ sinh thái trong Vườn Quốc gia Sông Thanh.
Phó Chủ tịch Trần Nam Hưng cùng đoàn công tác chụp hình lưu niệm tại Vườn Quốc gia Sông Thanh.
Cấp xã chủ động tuyển nhân sự đáp ứng công việc chuyên môn
Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Nam Hưng cùng đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo xã Bến Giằng nhằm nghe báo cáo những thuận lợi, khó khăn về tình hình vận hành chính quyền mới ở xã.
Là xã mới được thành lập trên 3 xã Cà Dy, Tà Bhing và Tà Pơ của huyện Nam Giang (cũ), địa bàn rộng, Phó Chủ tịch Trần Nam Hưng đề nghị lãnh đạo xã cần nghiên cứu làm quy hoạch trung tâm hành chính ở khu vực thuận lợi cho việc đi lại của cán bộ và nhân dân, đồng thời xứng tầm xã nông thôn mới (NTM). Đối với việc xây dựng NTM, Phó Chủ tịch Trần Nam Hưng đề nghị lãnh đạo xã phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
“Nếu làm tốt 19 tiêu chí trong xây dựng NTM thì đời sống vật chất, tinh thần người dân chắc chắn sẽ nâng cao. Tuy nhiên địa phương không được chạy theo thành tích, số lượng. Bên cạnh đó phải quan tâm đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công cũng như các nguồn vốn mục tiêu quốc gia để hoàn thiện các công trình, dự án. Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi, chỉ đạo quyết liệt chứ không phải ngồi tại chỗ chờ cấp dưới trình công việc lên cho mình ký”- Phó Chủ tịch Trần Nam Hưng lưu ý.
Đối với việc thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn, đặc biệt là cán bộ về công nghệ thông tin, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Nam Hưng cho rằng, trong khi chờ thành phố bố trí cán bộ thì xã nên chủ động tuyển nguồn nhân sự có chuyên môn để đáp ứng nhu cầu tại địa phương. “Lãnh đạo thành phố sẽ họp bàn về việc luân chuyển cán bộ từ đồng bằng lên miền núi. Vì thực tế hiện nay một số phường ở đồng bằng số lượng cán bộ cao gấp nhiều lần so với xã miền núi, do đó sẽ có sự luân chuyển để tạo điều kiện vận hành bộ máy chính quyền cấp xã mới ở miền núi được thông suốt. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi thành phố luân chuyển thì lãnh đạo xã cần chủ động tuyển nguồn nhân sự có chuyên môn đáp ứng nhu cầu công việc trước mắt”- Phó Chủ tịch Trần Nam Hưng nói.
TRẦN TÂN
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/xay-dung-de-an-phat-trien-du-lich-tai-vuon-quoc-gia-song-thanh-post315854.html