Xây dựng điểm giết mổ gia súc tập trung có kiểm soát

Xây dựng điểm giết mổ gia súc tập trung có kiểm soát
10 giờ trướcBài gốc
Cơ sở hoàn toàn không có giấy phép giết mổ, không thuộc hệ thống giết mổ được cấp phép của thành phố Hà Nội.
Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, song qua đó cho thấy một vấn đề lớn đó là việc kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát lỏng lẻo, còn thiếu triệt để.
Trong khi đó, việc hình thành các điểm giết mổ tập trung theo quy hoạch, được quản lý chặt chẽ, tiến tới xóa bỏ điểm giết mổ nhỏ lẻ, ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm như vụ việc trên còn chậm trễ.
Yêu cầu hình thành hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn, hiện đại đã được đặt ra từ lâu, nhưng chưa thể thực hiện được do quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn. Các đô thị lớn như Hà Nội đang phát triển nhanh, đất dành cho công nghiệp - dịch vụ đã hạn hẹp, khó bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng các khu giết mổ tập trung. Nhiều quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đã được phê duyệt nhưng chậm triển khai do thiếu vốn đầu tư, khó thu hút doanh nghiệp tham gia, do đầu tư một cơ sở giết mổ công nghiệp cần nhiều vốn, trong khi lợi nhuận không cao, rủi ro lại lớn (dịch bệnh, biến động giá thịt).
Hơn thế, nhiều người dân, kể cả chủ quầy thịt ngoài chợ, vẫn thích thịt “nóng” (mổ bán ngay) hơn là thịt mát, thịt đông lạnh theo chuẩn an toàn thực phẩm. Điều này duy trì nhu cầu giết mổ nhỏ lẻ, khiến giết mổ tập trung khó phát triển nếu không có biện pháp đồng bộ.
Từ những bất cập trên, có thể thấy trước hết cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp, ưu tiên đất xa khu dân cư, có giao thông thuận tiện. Thứ hai, nhà nước ưu đãi về thuế, đất đai, lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy giết mổ tập trung. Thứ ba, tuyên truyền, thay đổi thói quen tiêu dùng, khuyến khích người dân dùng thịt mát, thịt có chứng nhận an toàn; kết hợp với xử lý vi phạm, xóa bỏ các điểm giết mổ tự phát, kiểm soát vận chuyển, kiểm dịch nghiêm ngặt với mô hình quản lý vùng.
Tuy nhiên, nếu xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung hiện đại mà không xóa bỏ, xử lý triệt để các điểm giết mổ tự phát, vẫn không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Vì vậy, cơ quan chức năng cần rà soát, lập danh sách và kiểm soát các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, để có căn cứ xử lý, không để tồn tại kiểu “trôi nổi”; kết hợp với kiểm soát vận chuyển, yêu cầu có giấy kiểm dịch, kiểm soát nguồn gốc gia súc, gia cầm. Ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động giết mổ tự phát, yêu cầu phải đưa gia súc, gia cầm tới các cơ sở giết mổ tập trung. Đi cùng với đó, có các gói hỗ trợ (tập huấn, vay vốn chuyển nghề, tham gia chuỗi cung ứng thịt an toàn…) để người dân tham gia vào khâu chăn nuôi an toàn, buôn bán thịt sạch…
Với “nút thắt” về vốn, có thể huy động đa dạng nguồn lực: Ngân sách nhà nước dành hỗ trợ quy hoạch, hạ tầng, giải phóng mặt bằng; doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy, kho lạnh; ngân hàng thương mại, quỹ phát triển nông nghiệp - nông thôn cung cấp vốn ưu đãi, có thể bảo lãnh tín dụng để giảm áp lực thế chấp cho doanh nghiệp. Thời gian đầu, nhà nước có thể hỗ trợ phí đưa gia súc vào lò mổ tập trung để tạo thói quen
Khuyến khích mô hình PPP (hợp tác công - tư), trong đó nhà nước đầu tư phần hạ tầng, quy hoạch; còn doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, dây chuyền, thiết bị giết mổ. Đây là cách đang được nhiều địa phương vận dụng vì giảm gánh nặng ngân sách mà vẫn thu hút được vốn tư nhân.
Gia Khánh
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/xay-dung-diem-giet-mo-gia-suc-tap-trung-co-kiem-soat-709096.html