Phát triển đô thị xanh, thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai. Đây cũng là mục tiêu quan trọng được chỉ ra trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Rất cần khu đô thị, nghỉ dưỡng xanh
Trung tuần tháng 11, mặc cho những con sóng dập dềnh, tôi cùng gia đình người bạn từ TP. Hồ Chí Minh ra Nha Trang chơi háo hức trải nghiệm tại Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Vân Bay. Nơi đây được du khách nhận xét có cảnh quan hùng vĩ, giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên, không khí trong lành. Khu nghỉ dưỡng với 58 biệt thự nằm rải rác trên các vách đá, lưng chừng đồi và dọc theo bãi biển. Những căn biệt thự được thiết kế bằng vật liệu tự nhiên, mộc mạc, nguyên sơ, nằm dưới những tán cây xanh mướt. Six Senses Ninh Vân Bay từng lọt vào nhóm 11 khu nghỉ dưỡng sinh thái bền vững hàng đầu thế giới do Euronews bình chọn năm 2021.
Một góc huyện Cam Lâm.
Cũng giống như Six Senses Ninh Vân Bay, Vinpearl Nha Trang Hòn Tre tọa lạc bên vịnh biển trong xanh đầy nắng, với không gian yên bình cùng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Điểm đến được ví như thiên đường nghỉ dưỡng, vui chơi với hệ thống khách sạn, resort sang trọng; công viên giải trí của những kỷ lục cùng những dịch vụ, tiện ích đẳng cấp. Ngoài 2 khu nghỉ dưỡng được xây dựng, vận hành theo xu hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trên địa bàn tỉnh còn có những khu đô thị được xây dựng theo hướng sinh thái, như: Khu đô thị Mipeco, Khu đô thị Lê Hồng Phong II, Khu đô thị An Bình Tân, Khu đô thị VCN Phước Hải, VCN Phước Long…
Ông Trần Văn Châu - Giám đốc Sở Xây dựng chia sẻ, những năm qua, việc chuyển đổi, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực hạ tầng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống hạ tầng cây xanh được chú trọng đầu tư, tỷ lệ xây xanh toàn tỉnh ngày càng tăng cao, góp phần hình thành diện mạo đô thị xanh, sinh thái của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chú trọng đầu tư và khuyến khích các chủ đầu tư khu đô thị xây dựng hệ thống công viên cây xanh nhằm nâng cao chỉ số, mật độ cây xanh toàn tỉnh và từng đô thị. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, công trình nào được cấp chứng chỉ xanh.
Hướng đến đô thị xanh, thông minh
Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế. Để hiện thực hóa, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhấn mạnh, quy hoạch đảm bảo phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Vân Bay được đầu tư xây dựng, vận hành theo xu hướng xanh, thân thiện môi trường.
Theo định hướng, không gian đô thị của tỉnh được bố trí hợp lý gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Trong đó, Nha Trang là đô thị hạt nhân, Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.
Theo ông Châu, để xây dựng được các đô thị xanh, bền vững, thông minh, hiện đại, tỉnh cần những giải pháp thiết thực để xanh hóa công trình và khu đô thị mới, trong đó cần chú trọng đến các vấn đề, như: Xây dựng tòa nhà, văn phòng, công trình công cộng dựa trên tiêu chuẩn đánh giá chứng chỉ công trình xanh, trước mắt tuân thủ tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng tòa nhà, công trình; khuyến khích các công trình sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (lắp hệ thống pin mặt trời trên mái, mặt đứng công trình), tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, xử lý nước thải; khuyến khích các khu đô thị quy hoạch, xây dựng mới theo các tiêu chí của đô thị xanh; đánh giá các công trình, khu đô thị hiện trạng theo tiêu chí đô thị xanh, công trình xanh làm cơ sở khuyến khích chuyển đổi theo hướng xanh hóa.
Tiên phong trong áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh trên địa bàn tỉnh là công trình trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Hiến - Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh cho biết, công trình được thực hiện theo hướng áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh và đăng ký cấp chứng chỉ EDGE (chứng chỉ công nhận công trình xanh) với các tiêu chí: Tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm năng lượng hàm chứa trong vật liệu của công trình, công nghệ thân thiện môi trường… Hiện nay, ban quản lý đang phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo đánh giá khả thi chứng nhận công trình xanh và sẽ trình UBND tỉnh trong thời gian tới.
Cùng với xây dựng đô thị xanh, tỉnh cũng cần phát triển hệ thống đô thị thông minh, tập trung vào hạ tầng đô thị, như: Hệ thống giám sát, đo lường cấp nước tự động, hệ thống điều khiển chiếu sáng thông minh, hệ thống quan sát chất lượng nước thải tại nguồn...; xây dựng các trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng theo hướng thông minh để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng tới phát triển đô thị phố xanh... Đối với việc chuyển đổi số trong quản lý hạ tầng đô thị, tỉnh cũng cần phải số hóa hạ tầng khung toàn tỉnh trên bản đồ số, chia sẻ cho các cơ quan có liên quan khai thác sử dụng phục vụ công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng và duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, ưu tiên sử dụng các công nghệ số tiên tiến giúp tối ưu thời gian, quy trình làm việc và gia tăng lợi thế cạnh tranh, góp phần giảm phát thải carbon, tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo.
MẠNH HÙNG