Thiếu nữ Khmer mừng Tết Chôl Chnăm Thmây lên chùa lễ Phật với trang phục truyền thống
PV: Xin bà cho biết bức tranh chung về thực trạng đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay?
ThS. Lưu Diễm Trang: Sóc Trăng (cũ) là tỉnh ven biển, nằm trong vùng hạ lưu Nam sông Hậu với diện tích tự nhiên hơn 3.300 km², có hơn 1,19 triệu dân, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 35%, chủ yếu là người Khmer, Hoa và một số dân tộc khác.
Địa phương có 63/109 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 48.000 đảng viên, trong đó nữ là hơn 16.000 người (chiếm khoảng 33,95%) và người dân tộc thiểu số là hơn 9.000 (chiếm 20,02%).
Trong những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm. Việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ nữ dân tộc thiểu số có chuyển biến tích cực, đời sống của đồng bào được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm, kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc được đầu tư.
Đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, học tập nâng cao trình độ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã quy hoạch gần 500 cán bộ người dân tộc thiểu số vào Ban Chấp hành các cấp, trong đó 1/3 là nữ. Cán bộ nữ người dân tộc thiểu số được bố trí, bổ nhiệm, điều động vào các vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp xã đến cấp tỉnh ngày càng nhiều.
Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây đều có nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy huyện, thành phố; cấp xã, phường, thị trấn khóa sau tăng hơn khóa trước.
Tỉ lệ nữ Hội đồng nhân dân các cấp cũng tăng dần. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế về trình độ, năng lực và cơ cấu phân bổ chưa đồng đều so với tỉ lệ dân số, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.
PV: Theo bà, tỉnh Sóc Trăng (cũ) đã triển khai những giải pháp gì nổi bật trong việc quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ nữ người dân tộc thiểu số trong thời gian qua?
ThS. Lưu Diễm Trang: Công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ nữ người dân tộc thiểu số luôn được tỉnh Sóc Trăng (cũ) đặc biệt coi trọng. Đảng bộ tỉnh đã thực hiện tốt công tác quy hoạch "động" và "mở", chú trọng tỷ lệ cán bộ nữ, xác định phải có cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tương xứng.
Tập huấn cho cán bộ phụ nữ huyện, cơ sở trên địa bàn huyện Kế Sách, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng (cũ) Ảnh: SỚM MAI
Đặc biệt chú trọng các lĩnh vực có đông nữ như Giáo dục, Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp, các cơ quan tham mưu của Đảng, chính quyền, đoàn thể. Các cán bộ nữ trẻ, có phẩm chất chính trị tốt, năng lực thực tiễn, tiêu biểu trong phong trào quần chúng được đưa vào diện quy hoạch, tạo nguồn lãnh đạo của các cấp, ngành, cơ sở.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 02-ĐA/TU ngày 10/9/2021 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025. Kết quả đến năm 2023, có hơn 800 cán bộ nữ người dân tộc thiểu số được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Công tác này được thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực lãnh đạo, quản lý.
Trong sử dụng và bổ nhiệm, các cấp ủy Đảng mạnh dạn bố trí cán bộ nữ, đặc biệt là nữ dân tộc thiểu số trẻ, có năng lực vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Các kỳ đại hội gần đây, Sóc Trăng (cũ) đều có nữ tham gia Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Từ 2020-2023, có khoảng 200 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được bổ nhiệm, trong đó nữ chiếm khoảng gần 1/4. Các chính sách về tuyển dụng cũng ưu tiên nữ trong trường hợp thí sinh có số điểm ngang nhau.
Ngoài ra, chính sách bảo đảm lợi ích vật chất và động viên tinh thần cũng được thực hiện tốt. Các chế độ về thai sản, nghỉ dưỡng, học tập nâng cao trình độ đều được thực hiện nghiêm túc và ngày càng tốt hơn.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, bà nhận định những khó khăn, tồn tại nào trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng (cũ)?
ThS. Lưu Diễm Trang: Dù đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, nhưng thực tế công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng (cũ) còn tồn tại một số hạn chế. Trước hết, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo quản lý người dân tộc thiểu số chưa tương xứng với cơ cấu dân số. Một số cán bộ nữ dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng lãnh đạo quản lý.
Vào các dịp lễ hội hay lên chùa lễ Phật, phụ nữ Khmer đều khoác lên mình trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Một bộ phận cán bộ nữ do đặc thù vai trò phụ nữ trong gia đình, phải chăm lo con cái, nên còn e ngại khi nhận công tác xa nhà hoặc luân chuyển đến các huyện, ảnh hưởng đến công việc và cơ hội thăng tiến.
Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa gắn công tác quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng, dẫn đến tình trạng quy hoạch nhiều nhưng số cán bộ nữ dân tộc thiểu số thực sự giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn ít.
Việc phân bổ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và vùng, đặc biệt ở những lĩnh vực đặc thù, vùng sâu, vùng xa. Chính sách ưu tiên cán bộ nữ dân tộc thiểu số chưa đồng bộ giữa các cấp, một số quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu linh hoạt, chưa phù hợp với đặc thù của địa phương.
PV: Vậy theo bà, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số Sóc Trăng -nay TP Cần Thơ trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào những giải pháp chủ yếu nào?
ThS. Lưu Diễm Trang: Từ thực trạng nêu trên, tỉnh Sóc Trăng (cũ) cần tiếp tục tập trung vào một số giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ nữ người dân tộc thiểu số. Gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ hai, rà soát lại biên chế và cơ cấu ngạch công chức, viên chức để tinh giản, sắp xếp hợp lý, tạo điều kiện thu hút, tuyển dụng cán bộ nữ dân tộc thiểu số vào làm việc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, phát hiện cán bộ nữ trẻ người dân tộc thiểu số có trình độ, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác để kịp thời đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cho các vị trí lãnh đạo, quản lý phù hợp.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số theo hướng thống nhất, đồng bộ, gắn với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, ngành, đơn vị.
Cuối cùng, thực hiện tốt công tác luân chuyển, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ nữ dân tộc thiểu số, đảm bảo phân bổ đồng đều, hợp lý giữa các lĩnh vực, địa bàn, tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát triển toàn diện và đảm bảo bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội.
PV: Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!
Trường Lê (thực hiện)