Tóm tắt:
Xây dựng đời sống hôn nhân gia đình tiến bộ là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa - xã hội của đất nước, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An, một trong những cộng đồng dân tộc sinh sống lâu đời tại các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, việc xây dựng đời sống gia đình văn minh, tiến bộ không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhiều giá trị tích cực trong đời sống hôn nhân của người Khơ Mú đang bị mai một, trong khi những hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là hết sức cần thiết. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc và phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS.
Ảnh minh họa Internet
Từ khóa: Hôn nhân gia đình; văn minh, tiến bộ; Dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An.
1. Dẫn nhập
Trong tiến trình phát triển toàn diện đất nước, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có đời sống hôn nhân gia đình, luôn giữ một vị trí quan trọng và mang ý nghĩa chiến lược lâu dài. Gia đình không chỉ là tế bào của xã hội mà còn là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con người, góp phần ổn định và phát triển cộng đồng. Đặc biệt, đối với các DTTS sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An, việc xây dựng đời sống hôn nhân gia đình tiến bộ không chỉ là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn, mà còn là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Với truyền thống văn hóa lâu đời, đời sống gia đình của người Khơ Mú chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phong tục, tập quán và tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và đổi mới, nhiều giá trị truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, trong khi một số hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bất bình đẳng giới… vẫn còn tồn tại. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải định hướng xây dựng đời sống hôn nhân gia đình văn minh, tiến bộ, phù hợp với điều kiện sống và đặc điểm văn hóa của đồng bào. Do đó, việc xây dựng đời sống hôn nhân gia đình tiến bộ không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong gia đình và cộng đồng, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và văn hóa ở vùng đồng bào DTTS. Do đó, nghiên cứu vấn đề này trong bối cảnh hiện nay không chỉ mang ý nghĩa lý luận mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc, góp phần vào việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Vài nết khái quát về đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An
Dân tộc Khơ Mú là một trong 54 dân tộc anh em của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Họ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me trong hệ ngữ Nam Á, có mối quan hệ gần gũi với một số dân tộc khác như Mảng, Xinh Mun, Kháng. Người Khơ Mú có tên gọi khác là Xá Cẩu, Tênh Mun hoặc T’Mứn, tùy theo vùng cư trú và cách gọi của các dân tộc lân cận. Riêng tại tỉnh Nghệ An - một trong những địa phương có số lượng người Khơ Mú sinh sống đông đảo nhất cả nước, với hơn 43.000 người, cư trú thành từng bản nhỏ dọc theo triền núi, ven suối hoặc gần các vùng đất có điều kiện canh tác. Địa hình cư trú chủ yếu là vùng núi cao, có độ dốc lớn, chia cắt mạnh, giao thông đi lại còn khó khăn, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và một phần ở Con Cuông (1).
Người Khơ Mú có bản sắc văn hóa riêng biệt, thể hiện rõ nét trong tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán và tín ngưỡng. Họ có ngôn ngữ riêng - tiếng Khơ Mú. Tuy nhiên hiện nay ngôn ngữ này đang bị mai một dần do quá trình giao lưu và hội nhập với các dân tộc khác. Trong văn hóa truyền thống, người Khơ Mú rất coi trọng các mối quan hệ dòng tộc, gia đình và cộng đồng bản làng. Gia đình Khơ Mú thường là gia đình hạt nhân hoặc mở rộng, sống gần gũi, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất cũng như đời sống tinh thần. Trong xã hội truyền thống, nam giới có vai trò trụ cột, tuy nhiên phụ nữ cũng giữ vị trí quan trọng trong gia đình và sinh hoạt cộng đồng. Hôn nhân của người Khơ Mú trước kia thường chịu ảnh hưởng bởi phong tục truyền thống, như tục tảo hôn, cưới theo hình thức “bắt vợ”, hôn nhân nội tộc… Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới tác động của chính sách pháp luật và tuyên truyền của chính quyền địa phương, nhận thức về hôn nhân đã thay đổi theo hướng tiến bộ và văn minh hơn.
Đồng bào Khơ Mú theo tín ngưỡng đa thần, thờ cúng tổ tiên, thần linh và các lực lượng siêu nhiên trong tự nhiên như thần núi, thần rừng, thần sông, thần lúa… Trong nhà, người Khơ Mú thường lập bàn thờ tổ tiên ở vị trí trang trọng nhất để thể hiện lòng hiếu kính và cầu mong sự phù hộ độ trì. Một số nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Khơ Mú bao gồm: lễ cúng bản, lễ cầu mùa, lễ mừng nhà mới, lễ cúng rừng… Trong đó, lễ hội "Tết cơm mới" (còn gọi là lễ mừng lúa mới) là một dịp trọng đại để cả cộng đồng tạ ơn trời đất, tổ tiên đã cho mùa màng bội thu, đồng thời là dịp để kết nối các gia đình trong bản. Trang phục truyền thống của người Khơ Mú cũng rất đặc trưng. Phụ nữ mặc váy chàm dài, áo cánh ngắn, đầu quấn khăn. Nam giới mặc áo chàm dài, quần rộng và thắt lưng. Tuy nhiên hiện nay trang phục truyền thống ít được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, chủ yếu chỉ còn thấy trong các lễ hội hoặc dịp đặc biệt.
Người Khơ Mú sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, trồng lúa, ngô, sắn, chăn nuôi và hái lượm. Hình thức canh tác truyền thống vẫn là phát, đốt, cày cấy theo lối luân canh. Một số vùng đã bắt đầu chuyển sang sản xuất nông nghiệp định canh, định cư nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như 135, 30a, chương trình nông thôn mới… Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được người Khơ Mú duy trì ở quy mô hộ gia đình, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và nghi lễ truyền thống. Bên cạnh đó, nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn… vẫn còn tồn tại nhưng đang dần mai một. Một trong những vấn đề lớn ảnh hưởng đến kinh tế của người Khơ Mú là trình độ học vấn thấp, thiếu kiến thức sản xuất hiện đại, điều kiện giao thông hạ tầng chưa đồng bộ. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ từ các chương trình xóa đói giảm nghèo, đời sống của đồng bào Khơ Mú từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người có cải thiện rõ rệt.
Dưới tác động của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và các chính sách dân tộc, đồng bào Khơ Mú ở Nghệ An đang dần tiếp cận với lối sống hiện đại, từ việc sử dụng điện, sóng điện thoại, phương tiện đi lại, đến thói quen tiêu dùng, tổ chức cuộc sống gia đình. Một bộ phận người Khơ Mú, đặc biệt là giới trẻ, đã tiếp cận tốt với các giá trị mới trong xã hội như bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ, tầm quan trọng của học vấn, ý thức pháp luật và giữ gìn môi trường. Mặc dù vậy, quá trình hội nhập cũng đặt ra không ít thách thức, trong đó đáng lo ngại nhất là nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là ở các vùng tiếp giáp với trung tâm đô thị hoặc khu vực có giao thoa văn hóa mạnh. Bởi vậy, việc song hành giữa phát triển và bảo tồn đang trở thành yêu cầu tất yếu trong quá trình xây dựng đời sống mới cho đồng bào Khơ Mú.
2.2. Đời sống hôn nhân gia đình của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Nghệ - những bước tiến mới trong xây dựng đời sống văn hóa mới văn minh, tiến bộ
Đời sống hôn nhân gia đình của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An đã có những bước tiến mới quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa văn minh, tiến bộ. Trước đây, người Khơ Mú chủ yếu sống bằng canh tác nương rẫy, với những phong tục tập quán đặc trưng như hôn nhân theo nguyên tắc thuận chiếu, tục ở rể, chồng mang họ vợ, hay hôn nhân anh em vợ, chị em chồng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng, nhiều hủ tục đã được xóa bỏ, thay vào đó là những giá trị văn hóa tiến bộ, phù hợp với thời đại mới. Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong hôn nhân. Trước đây, phụ nữ Khơ Mú thường bị coi trọng thấp hơn trong gia đình và xã hội. Hiện nay, nhờ sự tuyên truyền và giáo dục, phụ nữ đã có quyền quyết định trong việc lựa chọn bạn đời, tham gia vào các hoạt động cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, việc tổ chức các lễ hội truyền thống như Tết Gơ Rơ, lễ mừng nhà mới, hay lễ hội mừng cơm mới không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn tạo cơ hội để cộng đồng gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm sống, học hỏi lẫn nhau. Những hoạt động này cũng góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của mọi thành viên trong gia đình và xã hội. Cũng là cách để đồng bào người Khơ Mú dần tách khỏi những hủ tục truyền thống lạc hậu trong đời sống hôn nhân gia đình, từng bước tiếp cận với đời sống hôn nhân gia đình trong không gian của đời sống văn hóa mới ngày càng tiến bộ, văn minh.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã giúp cải thiện đời sống vật chất của người Khơ Mú. Nhiều gia đình đã chuyển từ canh tác nương rẫy sang trồng trọt theo hướng bền vững, sử dụng giống cây trồng mới, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ giúp giảm nghèo mà còn tạo điều kiện để các gia đình có thu nhập ổn định, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó, giúp người dân có thêm điều kiện để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tiếp cận nhiều hơn với không gian văn hóa bên ngoài tiến bộ, cởi bỏ dần những hủ tục đã trói buộc lâu đời trong đời sống đồng bào, là cơ sở tiền đề quan trọng để người Khơ Mú ở Nghệ An xây dựng từng bước đời sống văn hóa nói chung, đời sống văn hóa hôn nhân gia đình tiến bộ, văn minh.
Tuy nhiên, trong thực tiễn xây dựng đời sống hôn nhân gia đình của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An hiện nay vẫn còn nhiều thách thức khó khăn cần được quan tâm, đẩy lùi, như:
Một số hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại ở một số nơi, ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An hiện nay. Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, tình trạng tảo hôn xảy ra chủ yếu trong vùng đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái. Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, trong 03 năm (2020-2022), toàn huyện Kỳ Sơn có trên 516 trường hợp tảo hôn và 11 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Riêng năm 2023, có 229 trường hợp tảo hôn, tình trạng này diễn ra ở hầu hết các xã, trong đó phổ biến nhất ở các xã: Mường Lống, Nậm Càn, Tây Sơn, Huồi Tụ... Sau dịp Tết Nguyên đán 2023, có 22 học sinh kết hôn, trong đó 15 em bỏ học vì lý do lấy chồng, lấy vợ. Cũng ở Kỳ Sơn, trong số các trường hợp sinh con của phụ nữ người Khơ Mú trong 3 năm gần đây (2022, 2023, 2024), có tới 29 phụ nữ có tuổi đời dưới 19 tuổi (đang ở tuổi vị thành niên). Trong số 29 sản phụ đó, có 3 trường hợp dưới tuổi 19 nhưng đã sinh con lần thứ 2. Có tới 18 trường hợp trẻ ở tuổi 16, 17 tuổi đã sinh con lần đầu (2).
Theo đánh giá, đặc trưng chung của đa số hộ gia đình người DTTS ở vùng sâu, vùng xa hẻo lánh như đồng bào người Khơ Mú còn nhiều khó khăn, với việc coi "làm ăn” để sinh tồn là lẽ sống, đòi hỏi trẻ em tham gia vào việc đóng góp sức lực, kinh tế cho gia đình. Nam nữ đến tuổi trưởng thành phải tập trung lao động để sinh sống. Các em trai được trông đợi trở thành người trụ cột, có trách nhiệm trong gia đình, các em gái được trông đợi trở thành vợ và mẹ. Mặt khác, trong bối cảnh của những quy chuẩn văn hóa phụ hệ, việc lập gia đình có ý nghĩa thay đổi vị thế xã hội và ý nghĩa cho cuộc đời con người. Các tư duy cho rằng, hôn nhân là đích đến tất yếu và cần thiết để duy trì và củng cố trong các tộc người, đã chi phối mọi nhận thức trong tình yêu và hôn nhân của các em, từ đó tác động ảnh hưởng tới tình trạng hôn nhân của nhiều tộc người thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Khơ Mú.
Hơn nữa, chính hạn chế trong tư duy, nhận thức của một phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS nơi có đồng bào người Khơ Mú ở Nghệ An hiện nay. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc về đời sống văn hóa hôn nhân gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa mới chưa thực sự quyết liệt; việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách dân tộc chưa thường xuyên, liên tục; công tác phối hợp giữa các ngành trong việc tham mưu xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc chưa đồng bộ, dẫn đến một số chính sách hiệu quả đạt chưa cao. Trong dó, có chính sách về xây dựng đời sống văn hóa hôn nhân gia đình đối với đồng bào dân tộc Khơ Mú.
Ngoài ra, công tác truyền thông, giáo dục đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa hôn nhân gia đình cũng đang còn nhiều hạn chế; cơ sở vật chất trường học, trạm xá, các thiết chế văn hóa còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ ngành giáo dục, y tế có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng làng, bản văn hóa giảm sút; một số giá trị văn hóa chưa được bảo tồn, phát huy; một số hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ… là những yếu tố làm cho công tác xây dựng đời sống văn hóa hôn nhân, gia đình đối với đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An thời gian qua chưa thực sự có bước chuyển biến rõ nét.
Ảnh minh họa Internet
2.3. Giải pháp xây dựng đời sống hôn nhân gia đình văn minh, tiến bộ đối với đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Nghệ hiện nay
Thứ nhất, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Để xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, việc cải thiện đời sống vật chất là vô cùng quan trọng. Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, như cung cấp vốn vay ưu đãi, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, cần được triển khai hiệu quả. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi giúp đồng bào dân tộc Khơ Mú ổn định cuộc sống, tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững, từ đó góp phần xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Thứ hai, nâng cao từng bước công tác giáo dục và đào tạo. Giáo dục là chìa khóa để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong cộng đồng. Cần tăng cường công tác giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, nhằm tạo cơ hội bình đẳng trong học tập và phát triển. Việc xây dựng các trường học gần khu dân cư, cải thiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, và tổ chức các lớp học bổ trợ sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ bỏ học, đặc biệt là ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ là yếu quan trọng để đẩy lùi hiện trạng hôn nhân gia đình lậu, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại dai dẳng trong đời sống đồng bào Khơ Mú.
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống hôn nhân gia đình văn minh, tiến bộ. Cần tiếp tục thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác gia đình, như Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cho đồng bào dân tộc Khơ Mú. Một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng đời sống hôn nhân gia đình văn minh, tiến bộ là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị văn hóa, pháp luật và quyền lợi cá nhân. Các cấp hội phụ nữ và tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm giúp đồng bào dân tộc Khơ Mú hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong đời sống hôn nhân và gia đình. Tiếp tục phát huy hiệu quả đã đạt được của các câu lạc bộ "Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết" tại các xã có nguy cơ cao, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Thứ năm, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng dân cư, từng bước đẩy lùi các hủ tục còn tồn tại trong đời sống hôn nhân gia đình. Việc khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú là cần thiết để xây dựng đời sống hôn nhân gia đình văn minh, tiến bộ. Các nghi lễ truyền thống như lễ cưới, lễ mừng nhà mới, lễ cúng tổ tiên cần được tổ chức trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục, đồng thời loại bỏ các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, cưới chạy, cưới theo hình thức "bắt vợ". Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn tạo cơ hội để cộng đồng gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm sống, học hỏi lẫn nhau., từng bước hình thành lối sống văn hóa mới văn minh, tiến bộ.
Thứ sáu, Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Bạo lực gia đình là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và sự phát triển của cộng đồng. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, kỹ năng sống cho phụ nữ và trẻ em. Việc thành lập các mô hình câu lạc bộ "Phòng chống bạo lực gia đình", "Gia đình hạnh phúc", "Gia đình ba thế hệ sống chung hòa thuận" là những hoạt động thiết thực, giúp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng. Cùng với đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ. Cần tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia vào các hoạt động cộng đồng, như tham gia vào các câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục. Việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong cộng đồng không chỉ giúp cải thiện đời sống gia đình mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
3. Kết luận
Việc xây dựng đời sống hôn nhân gia đình văn minh, tiến bộ đối với đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An không chỉ là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển văn hóa - xã hội, mà còn là yếu tố nền tảng góp phần thúc đẩy sự ổn định, bền vững của cộng đồng dân cư miền núi. Trải qua quá trình hội nhập và đổi mới, đời sống gia đình của người Khơ Mú đã có nhiều chuyển biến tích cực: từ nhận thức về hôn nhân, vai trò của giới, đến việc bài trừ những hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, cưới xin mê tín, rườm rà…. Sự thay đổi ấy là kết quả của quá trình phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và chính bản thân người dân trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần tiếp tục được giải quyết như điều kiện kinh tế còn hạn chế, trình độ học vấn thấp, hủ tục vẫn tồn tại ở một số nơi. Do đó, để nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân gia đình trong cộng đồng Khơ Mú, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS, kết hợp với tuyên truyền, giáo dục và phát huy vai trò nội lực từ chính người dân. Chỉ khi hôn nhân và gia đình trở thành môi trường lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, thì cộng đồng Khơ Mú mới thật sự vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của tỉnh Nghệ An nói riêng và đất nước nói chung.
(1). Trường Chính trị tỉnh Nghệ An (2021): Tập bài giảng Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An; Nxb. LLCT; tr.296.
(2). Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn (2023): Báo cáo tổng kết năm 2023.
GVC, ThS Nguyễn Văn Điều - Trường Chính trị Nghệ An