Xây dựng hành lang pháp lý sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước

Xây dựng hành lang pháp lý sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước
3 giờ trướcBài gốc
Ông Bùi Anh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp trả lời phỏng vấn
Thưa ông, thời gian qua, ý kiến từ các đại biểu Quốc hội và một số bộ, ngành, địa phương cho rằng có khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trong thời gian gần đây, do quy định chưa rõ nên có một số cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.
Tại Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công quy định các nội dung về mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng. Điều này dẫn đến cách hiểu là các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp... phải bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, nghĩa là phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn mới thực hiện được. Điều này không phù hợp với thực tiễn vì các nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mua sắm,... nhất là đối với các công trình quy mô nhỏ diễn ra thường xuyên và không thể chờ đợi lập kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Lấy ví dụ như trong trường hợp một số công trình bị hư hỏng phải thực hiện sửa chữa ngay để duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị trong khi không thể biết trước để dự kiến khi lập kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bên cạnh đó, cũng có cách hiểu khác, đó là Luật Ngân sách nhà nước quy định kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên (bao gồm các nhiệm vụ mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp công trình xây dựng...). Theo quy định của pháp luật về đầu tư công, nguồn chi đầu tư ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư (bao gồm dự án mua sắm trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp công trình xây dựng).
Chính vì những cách hiểu khác nhau trên nên thời gian qua, một số bộ, ngành, địa phương còn ngần ngại trong việc bố trí dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục, công trình trong các dự án đã đầu tư.
Vậy hướng giải quyết đối với những khó khăn, vướng mắc này như thế nào thưa ông?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện pháp luật, trên cơ sở thực tiễn phát sinh và qua rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, Bộ trưởng và Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cần thiết phải có quy định hướng dẫn để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên.
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và sự nhất trí rất cao của các bộ, cơ quan và địa phương được cơ quan soạn thảo xin ý kiến, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Ngày 24/10/2024, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP nêu trên và Nghị định có hiệu lực ngay kể từ ngày ký.
Việc ban hành Nghị định trên với thời gian có hiệu lực ngay từ ngày ký được kỳ vọng sẽ kịp thời tháo gỡ các vướng mắc đã được các đại biểu Quốc hội, bộ, ngành và địa phương phản ánh thời gian vừa qua trong quá trình sử dụng dự toán ngân sách nhà nước cho mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng, qua đó góp phần đẩy nhanh các nhiệm vụ được giao, trong đó có Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Xin ông chia sẻ 1 số nội dung chính của Nghị định này?
Nghị định này quy định việc lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, gồm: mua sắm tài sản, trang thiết bị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công.
Các quy định của Nghị định sẽ góp phần tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương được chủ động sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.
Đối tượng áp dụng Nghị định này gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp công lập; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đầu tư xây dựng.
Nghị định quy định rõ về phạm vi, thẩm quyền đối với từng nhóm nhiệm vụ; quy trình, hồ sơ tài liệu lập, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới tối đa không quá 15 tỷ đồng/nhiệm vụ; thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị theo các quy mô nhiệm vụ dưới 45 tỷ đồng, từ 45 tỷ đồng đến dưới 120 tỷ đồng và nhiệm vụ có quy mô từ 120 tỷ đồng trở lên.
Tôi cho rằng, các quy định trên đã tạo hành lang pháp lý tháo gỡ kịp thời những vướng mắc để các bộ, cơ quan triển khai thực hiện ngay khi Nghị định số 138 được ban hành.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hương Giang
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/xay-dung-hanh-lang-phap-ly-su-dung-chi-thuong-xuyen-ngan-sach-nha-nuoc-157177.html