Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai hiện đại

Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai hiện đại
một ngày trướcBài gốc
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong dự báo thiên tai
Biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, đối với các cơ quan chức năng, công tác dự báo và cảnh báo thiên tai trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chủ động thực hiện các dự báo và cảnh báo sớm về những hiện tượng thời tiết cực đoan (hiện tượng El Ninõ, bão, lũ, mưa lớn, nắng nóng, lũ quét, sạt lở đất, triều cường đến động đất) nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Năm 2024, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã phát hành các thông tin dự báo và cảnh báo sớm về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác và có ảnh hưởng quan trọng đến công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai của Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Hiện nay, công tác dự báo và cảnh báo thiên tai đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ về công nghệ và quy trình. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác này, Tổng cục Tổng cục Khí tượng thủy văn đã triển khai các chương trình lớn như cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo thiên tai.
Các bản đồ này cung cấp thông tin chi tiết về các thiên tai như bão, lũ, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất và ngập lụt, giúp các địa phương xây dựng các giải pháp phòng chống thiên tai phù hợp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường, cho biết, để nâng cao độ chính xác và hiệu quả của công tác dự báo Tổng cục đang tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại như Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ vệ tinh vào quá trình quan trắc, giám sát và dự báo.
Việc sử dụng các công nghệ này giúp nâng cao khả năng phát hiện sớm các hiện tượng thiên tai đồng thời giúp cảnh báo sớm, qua đó hỗ trợ các cơ quan, địa phương chủ động ứng phó.
Tổng cục Khí tượng thủy văn đã bắt đầu tăng cường đầu tư vào các trạm quan trắc tự động tại những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các trạm này sẽ giúp giám sát thường xuyên và phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của thời tiết và thiên tai.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 của Tổng cục Khí tượng thủy văn là xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai hiện đại, có khả năng kết nối trực tiếp với Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.
Hệ thống này sẽ giúp đảm bảo rằng thông tin cảnh báo được truyền đạt và chính xác và nhanh chóng đến các cơ quan chức năng và người dân, từ đó có thể thực hiện các biện pháp ứng phó theo đúng cấp độ rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng sẽ tiếp tục triển khai các Đề án và Chương trình như Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam, và các chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, theo chỉ đạo của Chính phủ. Những hoạt động này nhằm tạo nền tảng vững chắc cho công tác phòng chống thiên tai trong tương lai.
Bên cạnh công tác nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ, việc tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức có liên quan trong việc giám sát và ứng phó với các nguy cơ thiên tai là vô cùng quan trọng.
Chính quyền địa phương cần chủ động rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại địa phương, và cung cấp các thông tin cảnh báo kịp thời cho người dân, giúp họ chuẩn bị tốt hơn trước khi thiên tai xảy ra.
Cần đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu
Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thì cần đẩy nhanh các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và tích cực tham gia vào các sáng kiến toàn cầu. Việc triển khai các chương trình giảm phát thải và thị trường tín chỉ carbon cần phải trở thành ưu tiên của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lê Công Thành, biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai đang có tần suất và mức độ gia tăng, tạo ra nhiều thách thức lớn đối với phát triển bền vững của các quốc gia. Chính vì thế, khoa học và công nghệ, đặc biệt là công tác dự báo và cảnh báo thiên tai, đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu các rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường.
Cần đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác phòng ngừa, giảm nhẹ tác động của thiên tai, và bảo vệ môi trường. Trong đó, Đề án phát triển năng lực ứng phó với sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 là một trong những chương trình quan trọng cần được triển khai nhanh chóng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, việc hiện đại hóa công tác khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo sớm là rất cần thiết.
GS.Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho biết, mặc dù các đơn vị dự báo đã tăng cường đầu tư vào khoa học và công nghệ để cải thiện công tác cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, tuy nhiên khả năng dự báo loại thiên tai này vẫn còn hạn chế.
GS.Thục nhấn mạnh, ngoài việc tăng cường quan trắc và giám sát, việc theo dõi thông tin liên tục qua các hệ thống dự báo trực tuyến là rất quan trọng.
Cùng với đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong việc rà soát các nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại từng địa phương sẽ giúp chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời trước khi thiên tai xảy ra.
Bích Ngọc
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/xay-dung-he-thong-thong-tin-canh-bao-thien-tai-hien-dai-95759.html