Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC – UPCoM), doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan với doanh thu thuần đạt 691,96 tỷ đồng, giảm tới 58,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt 5,39 tỷ đồng, giảm sâu 90,5% so với quý I/2024.
Trong quý đầu năm, dù doanh thu giảm mạnh, biên lợi nhuận gộp của HBC lại cải thiện đáng kể, từ 1,3% lên 7,6%. Điều này giúp lợi nhuận gộp tăng 145,8% lên 52,46 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các khoản mục khác không thuận lợi. Doanh thu tài chính giảm mạnh tới 90,5%, chỉ còn 10,8 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm nhẹ 3% còn 96,88 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận âm 32,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước âm 14,48 tỷ đồng. Theo giải trình, khoản chi phí này âm chủ yếu nhờ việc hoàn nhập dự phòng. Lợi nhuận khác tăng 200,3% lên 9,67 tỷ đồng.
Tính riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp trừ chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I, HBC vẫn lỗ 11,92 tỷ đồng. Điều này cho thấy lợi nhuận 5,39 tỷ đồng sau thuế mà công ty đạt được chủ yếu đến từ doanh thu tài chính (dù giảm) và lợi nhuận hoạt động khác, bù đắp khoản lỗ từ mảng xây dựng.
So với kế hoạch kinh doanh năm 2025 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua với mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng, kết quả quý I cho thấy Xây dựng Hòa Bình mới chỉ hoàn thành 1,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Đây là thách thức lớn cho doanh nghiệp trong các quý còn lại.
Dù có lãi tượng trưng trong quý đầu năm 2025, tính đến ngày 31/3/2025, Xây dựng Hòa Bình vẫn còn khoản lỗ lũy kế rất lớn, lên tới 2.293,9 tỷ đồng. Con số này bằng 66,1% vốn điều lệ hiện tại (3.472,1 tỷ đồng), cho thấy những khó khăn tích tụ trong nhiều năm.
Về quy mô tài sản, tại thời điểm cuối quý I, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình đạt 15.136 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,8% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản cho thấy tỷ trọng lớn nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn, lên tới 10.236,8 tỷ đồng, chiếm 67,6% tổng tài sản. Hàng tồn kho ở mức 2.793,5 tỷ đồng, chiếm 18,5% tổng tài sản.
Điểm đáng lưu ý, riêng với các khoản phải thu, tại thời điểm cuối quý I, Xây dựng Hòa Bình đã trích lập dự phòng tới 1.792,4 tỷ đồng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi. Điều này phản ánh rủi ro tiềm ẩn trong việc thu hồi các khoản công nợ của doanh nghiệp. Hàng hóa bất động sản của công ty tăng thêm 143,8 tỷ đồng lên 453,8 tỷ đồng, bao gồm quyền sử dụng đất và các căn hộ chung cư tại một số dự án.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của HBC giảm nhẹ 5,8% so với đầu năm, còn 4.098,4 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, 234,1%. Nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn với 3.568,4 tỷ đồng.
Linh Lang