Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao Bằng khen cho các giáo viên có thành tích xuất sắc năm học 2023-2024. Ảnh: Đặng Công
Nhiều chương trình rèn luyện kỹ năng như: tiếng Anh, tiếng Hàn, lập trình robot, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp... đang được phát triển rộng ở nhiều trường học, giúp học sinh ngày một năng động và tự tin hơn.
Khát vọng công dân toàn cầu
Không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng tiếng Anh, tại Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) từ 2 năm nay đã đưa môn Kỹ năng lập trình trí tuệ nhân tạo (AI) vào dạy cho học sinh. Học sinh tham gia môn kỹ năng này có thể vận dụng các kiến thức tin học, điện tử, vật lý, cơ điện vào lập trình ra các con robot thông minh. Các con robot này có thể thực hiện các thao tác để giải quyết các tình huống mong muốn.
Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) Phan Quang Vinh chia sẻ: “Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018, nhất là thời kỳ cách mạng 4.0 này, học sinh đến trường không chỉ học để thi nữa mà được nâng lên yêu cầu cao hơn, đó là học để vận dụng ngay vào cuộc sống. Khi học sinh được tham gia các khóa kỹ năng, nhất là AI, các em có cơ hội làm việc nhóm, trong quá trình này các em được cùng nhau xây dựng ý tưởng, đưa ra giải pháp nên việc học không hề nhàm chán, mà còn rất thú vị”.
Học sinh Đồng Nai tự tin tham dự các cuộc thi lập trình trí tuệ nhân tạo cấp quốc tế.
Còn tại Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa), số lượng tiết học tiếng Anh theo chương trình quốc tế được tăng cường gấp 2-3 lần các trường khác. Nhờ điều này mà học sinh của trường có thể giao tiếp tốt tiếng Anh với người nước ngoài. Không dừng lại ở đó, nhiều học sinh sau khi học hết lớp 12 đã trúng tuyển vào các trường đại học quốc tế tại Việt Nam và du học ở nước ngoài với lợi thế kỹ năng tiếng Anh vượt trội.
Hiệu trưởng nhà trường Hồ Thị Lâm chia sẻ: “Học sinh ngày nay năng động hơn rất nhiều so với trước và nhà trường cũng luôn phải đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế, làm bàn đạp cho các em hướng tới công dân toàn cầu”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Nhiều cơ hội hơn cho học sinh Đồng Nai trở thành công dân toàn cầu
Đồng Nai phải giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông thông qua kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch trình độ. Cần chuẩn hóa đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, phương pháp sư phạm. Nếu có chất lượng giáo viên tốt sẽ có được thế hệ học sinh tự tin dùng tiếng Anh để hội nhập.
Đưa công nghệ vào trường học
Dù chỉ học một trường tiểu học ở khu vực nông thôn nhưng học sinh Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) đã nhanh chóng được làm quen với những công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI) và chat GPT trong các tiết học. Nhờ những công nghệ mới này mà các em có thể nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, giải đáp kiến thức, tìm kiếm thông tin mới, xây dựng dữ liệu phục vụ học tập. Công nghệ mới đã biến những tiết học trở nên sinh động và hấp dẫn với cả giáo viên và học sinh.
So với cách dạy truyền thống là bảng đen phấn trắng, hay màn hình tivi dùng để trình chiếu đơn thuần thì AI, chat GPT thực sự là một bước đột phá với học sinh Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ.
Học sinh Trường trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng (huyện Trảng Bom) đã quen thuộc với những tiết học xuyên biên giới nhờ công nghệ thông tin.
Thầy Thân Trúc Điệp, giáo viên của trường, cho rằng: “Trong thời đại số ngày nay, dạy học không thể nằm trọn trong sách giáo khoa, mà phải mở rộng kiến thức cho học sinh bằng công nghệ thông tin mới tạo hứng thú cho học sinh, giúp học sinh thay đổi tư duy, rèn luyện kỹ năng khám phá thế giới vô tận”.
Cũng nhờ công nghệ thông tin mà nhiều trường ở Đồng Nai đã có được những tiết học xuyên biên giới, thay vì chỉ bó hẹp trong không gian lớp học. Điển hình như Trường trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom), nhiều tiết học học sinh của trường có thể học với giáo viên, học sinh ở huyện khác trong tỉnh, thậm chí xa hơn là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hay tận tỉnh Lào Cai. Để có được bước đột phá này là nhờ nhà trường đã được đầu tư thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm dạy học trực tuyến hiện đại.
Động lực vượt thách thức
Đồng Nai đang đứng trước những cơ hội mới hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu, đây cũng là cơ hội cho tỉnh đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, các tuyến giao thông liên kết vùng hoàn thiện, dự báo sẽ có những làn sóng nhà đầu tư thế hệ mới tìm đến Đồng Nai. Trong quá trình hội nhập, công dân Đồng Nai cần có kỹ năng ngoại ngữ và nhiều kỹ năng khác.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (thành phố Biên Hòa) lập trình robot bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.
Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, GS-TS Sử Đình Thành cho rằng, hội nhập sâu với kinh tế toàn cầu là cơ hội nhưng cũng là thách thức với Đồng Nai. Ngoài nhân lực chất lượng cao có chuyên môn sâu thì nhân lực của Đồng Nai phải biết sử dụng thành thạo tiếng Anh, nếu không muốn mất đi lợi thế. Đồng Nai cần chủ động nhiều hơn trong đầu tư cho giáo dục, chú trọng đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho học sinh từ các cấp học. Đặc biệt, sinh viên các trường đại học bước chân vào doanh nghiệp phải sử dụng tốt tiếng Anh.
Nhiều năm qua, Đồng Nai đã có những bước cải thiện trình độ tiếng Anh cho học sinh và nhiều kỹ năng cần thiết khác. Nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin được đưa vào giáo dục đã cải thiện năng lực và tính năng động của học sinh.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Huy Khánh cho biết, thứ hạng trình độ tiếng Anh của học sinh Đồng Nai đã được cải thiện và nằm ở tốp 10/63 tỉnh, thành. Với Đề án Tiếng Anh tăng cường và khuyến khích các trường mời giáo viên người nước ngoài đến giảng dạy tiếng Anh, mở các trung tâm tiếng Anh theo chuẩn quốc tế là những hướng đi hiệu quả nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh.
Đặng Công