Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh vùng Đông Nam Bộ chỉ đạo sở giao thông vận tải xây dựng lộ trình và cơ chế để chuyển đổi phương tiện sang năng lượng xanh. Trong đó, từ nay đến năm 2030, các tỉnh ưu tiên chuyển đổi 100% xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh. Mục tiêu là để giảm khí thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiến dần đến net zero.
Đồng Nai hiện có gần 20 tuyến xe buýt với hàng trăm phương tiện tham gia hoạt động. Dự kiến khi nhiều tuyến đường mới mở ra kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các khu công nghiệp trên địa bàn, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển thêm phương tiện giao thông công cộng để bảo vệ môi trường và hạn chế tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh cần có lộ trình cụ thể, chính sách ưu đãi về tín dụng. Như vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải mới có đủ khả năng đầu tư mua các xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh mới. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cũng đòi hỏi Đồng Nai phải có quy hoạch, mời gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật đi theo như trạm sạc điện, trạm sạc khí...
Chuyển đổi xanh yêu cầu các ngành, lĩnh vực bắt buộc phải có lộ trình tham gia. Từ năm 2015, Đồng Nai đã có đề án chuyển đổi 500 xe buýt sử dụng dầu diesel sang xe buýt sử dụng khí thiên nhiên CNG. Và theo tính toán, nếu chuyển đổi thành công sẽ giảm được khoảng 230 tấn khí thải/năm ra môi trường. Thế nhưng, đề án này đến nay chưa thực hiện được.
Trong năm 2024, Đồng Nai là tỉnh đi đầu cả nước trong ban hành Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Vì thế, việc khuyến khích, xây dựng lộ trình để ngành vận tải chuyển đổi xanh là điều tất yếu. Bởi vì, ngoài những tuyến xe buýt cố định, Đồng Nai còn có nhiều doanh nghiệp hợp đồng với các nhà máy và dùng xe buýt để chở công nhân từ các địa phương đến làm việc.
Khánh Minh