Xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững
6 giờ trướcBài gốc
HTX chăn nuôi gà Lam Sơn, xã Lam Sơn, huyện Tam Nông liên kết, cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu một phần sản phẩm cho thành viên.
Toàn tỉnh hiện có 445 vùng trồng trọt tập trung các sản phẩm chủ lực, có lợi thế với diện tích 19.500ha; thiết lập, cấp và quản lý 287 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 5.240ha. Xây dựng mã số vùng trồng, góp phần định hướng nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, theo tiêu chuẩn an toàn và là điều kiện để quản lý, truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.
Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ; hình thức chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng được nhân rộng. Tỷ lệ chăn nuôi tập trung, trang trại đối với chăn nuôi lợn chiếm 39% tổng đàn, chăn nuôi gà chiếm 34,9%. Với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh tiếp tục duy trì, mở rộng các vùng nuôi tập trung, chuyển đổi từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang thâm canh.
Toàn tỉnh đã xây dựng, phát triển trên 120 chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Xây dựng và nhân rộng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có sự gắn kết với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh. Qua đó, xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn, bảo đảm người dân được tiếp cận, sử dụng thực phẩm an toàn, bền vững. Các ngành chức năng của tỉnh tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, vận động các cơ sở sản xuất áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến; ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã tem QR Code để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chống hàng giả; ứng dụng khoa học công nghệ số, chuyển đổi số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, có trên 40 cơ sở trong chuỗi giá trị áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến VietGAP, HACCP, ISO.
HTX chăn nuôi gà Lam Sơn, xã Lam Sơn, huyện Tam Nông chuyên chăn nuôi gà mía thương phẩm với sản lượng trên 350 tấn/năm. Ông Phùng Cao Sơn - Giám đốc HTX cho biết: “Trong chăn nuôi gà, kỹ thuật, nguồn thức ăn chăn nuôi quyết định tới chất lượng sản phẩm và hiệu quả. Ý thức được điều đó, HTX đứng ra cung ứng giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cho thành viên. Các hộ nuôi cũng được hỗ trợ, hướng dẫn các điều kiện, kỹ thuật chăn nuôi nhằm đảm bảo sản xuất đạt chuẩn an toàn và hiệu quả. Hiện nay, HTX đã xây dựng chuỗi liên kết, đảm bảo một phần đầu ra cho các thành viên. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng thương hiệu cũng như mạng lưới phân phối cho sản phẩm”.
Để nâng cao hiệu quả các chuỗi liên kết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1865/KH-UBND, ngày 23/5/2023 về phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ sản phẩm chủ lực được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 30%; 100% sản phẩm tham gia chuỗi được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Theo đó, các giải pháp được đưa ra như: Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường nông sản... Xây dựng thành công các chuỗi liên kết không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm mà còn tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức sản xuất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thói quen của người dân trong sản xuất, sử dụng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nguyễn Huế
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/xay-dung-nen-nong-nghiep-an-toan-ben-vung-220506.htm