Xây dựng nhà ở miền núi cần lưu ý gì để ứng phó thiên tai?

Xây dựng nhà ở miền núi cần lưu ý gì để ứng phó thiên tai?
6 giờ trướcBài gốc
Các loại hình nhà ở phổ biến tại miền núi
Vào mùa mưa bão hàng năm, khu vực miền núi phía Bắc thường xuyên phải đối mặt những nguy cơ lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực trên đã phát triển nhiều hình thức nhà ở truyền thống để thích ứng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.
Nhà sàn là loại hình nhà ở phổ biến nhất tại khu vực miền núi.
Theo số liệu của Phòng Quản lý Khoa học kỹ thuật và dữ liệu (Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng), khu vực miền núi phía Bắc có 3 loại hình nhà ở phổ biến.
Thứ nhất là nhà sàn. Đây là loại hình nhà ở phổ biến nhất tại khu vực miền núi, được làm từ gỗ, tre, dựng trên cột cao 1 - 2m, nhằm tránh ẩm ướt và thú dữ. Nhà sàn phân bố phổ biến ở các vùng sườn đồi hoặc vùng đất cao gần suối.
Loại hình nhà ở đó giúp tránh tình trạng ngập lụt nhẹ khi xảy ra lũ lụt. Sàn nhà cao cũng tạo được độ thông thoáng và cách nhiệt với nền đất lạnh ẩm.
Tuy nhiên, do được xây dựng bằng công nghệ và các vật liệu thô sơ, nhà sàn dễ cháy và nhanh xuống cấp nếu không được bảo trì thường xuyên. Ngoài ra, do vật liệu không kiên cố, nhà sàn dễ bị cuốn trôi nếu xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Loại hình thứ hai là nhà trình tường, thường xuất hiện tại vùng núi cao, nơi có khí hậu lạnh và khô, với dân tộc như Mông, Dao… Nhà trình tường có kết cấu tường đất dày, mái lợp ngói hoặc cỏ tranh, phù hợp giữ ấm vào mùa đông.
Loại hình nhà ở này được xây dựng từ các vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường và có chi phí xây dựng thấp. Tuy nhiên, nhược điểm của nhà trình tường là kém bền vững trong điều kiện mưa dài ngày, dễ bị xói mòn hoặc nứt vỡ.
Nhà trình tường có nhược điểm kém bền vững trong điều kiện mưa dài ngày, dễ bị xói mòn hoặc nứt vỡ.
Loại hình thứ ba là nhà xây mới, được xây dựng những năm gần đây tại các khu tái định cư, hoặc hộ dân có điều kiện kinh tế khá. Loại hình nhà ở trên được xây dựng bằng vật liệu mới như tường gạch chịu lực hoặc khung cột bê tông cốt thép, lợp mái tôn…
Do vật liệu có tính kiên cố nên nếu được xây dựng đúng kỹ thuật, loại nhà ở này sẽ có khả năng chống chịu thiên tai tốt hơn và tuổi thọ cao hơn những loại hình nhà ở truyền thống.
Tuy nhiên, với trình độ kỹ thuật và tay nghề nhân công hạn chế, cộng với một số khu vực xây dựng công trình có địa chất không ổn định, có thể dẫn đến sụt lún, nứt tường hoặc đổ sập.
3 khuyến nghị giảm thiểu rủi ro
Để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân sống tại khu vực miền núi trong mùa mưa bão, ThS.KTS Nguyễn Quốc Hoàng, Trưởng phòng Quản lý Khoa học kỹ thuật và dữ liệu (Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng) đưa ra một số khuyến nghị về thiết kế, xây dựng và gia cố nhà ở khu vực miền núi.
Trước hết, người dân cần lựa chọn đúng vị trí xây dựng nhà ở. Việc xác định vị trí nhà cần được tính toán kỹ lưỡng, tránh làm ở khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao như ven sông suối, hay sườn đồi dốc. Vị trí xây dựng công trình phải gắn với quy hoạch khu dân cư, phù hợp quy hoạch chung của khu vực.
Việc hình thành những điểm dân cư cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn trong mọi điều kiện thiên tai, thời tiết; thuận lợi cho xây dựng, có đủ nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ và chất lượng… Chính quyền địa phương nên dựa trên đặc điểm địa hình, khí hậu, hình thái canh tác và tập quán sinh hoạt của người dân để phân khu chức năng, xác định quy mô điểm phục vụ công cộng, dịch vụ.
Theo ThS.KTS Nguyễn Quốc Hoàng, người dân nên tận dụng địa thế và địa hình tự nhiên để thay đổi tốc độ, hướng gió và hướng dòng chảy, từ đó giảm tác hại đến công trình. Người dân có thể xây dựng nhà tập trung thành cụm và bố trí các nhà nằm so le nhau để cản luồng gió bão, mang lại hiệu quả cao.
Xác định vị trí xây dựng nhà ở cần được tính toán kỹ lưỡng, tránh xây ở khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao như ven sông suối, hay sườn đồi dốc.
Dựa trên cơ sở xem xét điều kiện khí hậu, nhà chính nên quay hướng Nam vì có gió nóng Tây Nam, gió lạnh Đông Bắc. Cần lưu ý gió Đông Nam vừa là gió mát vào mùa hè, vừa là hướng gió bão chính vào mùa mưa lũ.
Đối với giải pháp xây nhà mới vẫn giữ hình thức nhà truyền thống (nhà sàn, nửa sàn nửa trệt…) nhưng sử dụng các vật liệu xây dựng kiên cố hơn (khung cột dầm bê tông cốt thép, tường xây gạch…), khoảng cách giữa các cột bê tông cần được tính toán và bố trí để nước lũ dễ dàng chảy qua, giảm áp lực lên khối công trình. Vật liệu sử dụng nên ưu tiên những loại vật liệu mới, thân thiện môi trường, nhưng vẫn cần đảm bảo độ bền và khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt.
Đối với các khu vực thường xuyên xảy ra lũ lụt, người dân cần làm sàn nhà cao hơn đỉnh lũ lịch sử nhằm đảm bảo tránh trú an toàn, đồng thời thiết kế hệ thống kè đá, kết hợp mương thoát nước quanh nhà để tránh ngập úng và giảm thiểu rủi ro sạt lở đất.
Người dân có thể xây dựng nhà tập trung thành cụm và bố trí các nhà nằm so le nhau để cản luồng gió bão, mang lại hiệu quả cao.
Đối với những trường hợp gia cố nhà hiện hữu, ThS.KTS Nguyễn Quốc Hoàng khuyến nghị nên gia cố móng nhà bằng đá hộc hoặc bê tông cốt thép để tăng độ ổn định.
Nhà sàn cột gỗ cần gia cố chân cột bằng bê tông, hoặc kê đá hộc nhằm tránh bị xói mòn khi nước lũ dâng; gia cố tường nhà bằng giằng bê tông cốt thép (có thể kết hợp với lanh tô cửa) để tăng độ liên kết.
Với nhà trình tường, người dân có thể sử dụng vật liệu bao che bên ngoài, để giảm thiểu tác động rửa trôi của mưa lên tường nhà; làm rãnh thoát nước xung quanh, kết hợp tường chắn hoặc kè đá trên sườn núi, ngăn ngừa nguy cơ sạt lở.
Bên cạnh đó, người dân nên xây tường chắn lũ bằng gạch, hoặc đắp bao cát để ngăn dòng chảy của lũ quét.
Dịch Phong
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/xay-dung-nha-o-mien-nui-can-luu-y-gi-de-ung-pho-thien-tai-192250524211952292.htm