Xây dựng nông thôn mới: Cần sự liên kết nhiều nhà

Xây dựng nông thôn mới: Cần sự liên kết nhiều nhà
14 giờ trướcBài gốc
Hình thành nhiều chuỗi liên kết
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, HTX là mô hình phát triển ổn định và bền vững ở nông thôn hiện nay, chủ yếu dựa vào sức mạnh tổ chức của HTX với bộ máy đồng thuận, các thành viên có trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó tương trợ lẫn nhau. Để HTX có được năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính tốt, đòi hỏi HTX phải xây dựng và duy trì được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với sản phẩm chủ lực mà thành viên đang có, nên sự phát triển ổn định của HTX sẽ hỗ trợ các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản được duy trì và bền vững. Nhắc đến các mô hình liên kết theo chuỗi, trên địa bàn tỉnh có 3 địa phương làm khá tốt là Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Thuận Nam.
Sản phẩm của HTX Sen Núi.
Ở Đức Linh, gần đây bà con hay nhắc đến HTX Dịch vụ tổng hợp Sen Núi (xã Đông Hà). Là HTX còn non trẻ, mới thành lập năm 2022, nhưng đến nay sản phẩm “Hạt điều rang muối” của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và thực hiện liên kết VietGAP đối với cây ớt và cây điều. Theo đó, HTX này ký kết bao tiêu ớt với 26 hộ dân/10 ha với giá thấp nhất 19.000 đồng/kg và liên kết cây điều với 24 hộ dân/100 ha. Ngoài chuỗi liên kết điều, huyện Đức Linh còn đang thực hiện dự án liên kết rau và dự án liên kết lúa.
Trong khi đó, với lợi thế là vùng trồng thanh long lớn nhất tỉnh, huyện Hàm Thuận Nam đã hình thành được 5 chuỗi liên kết cấp huyện (4 dự án liên kết thanh long và 1 dự án liên kết chăn nuôi bò phê duyệt hỗ trợ các năm trước) và 2 kế hoạch liên kết phê duyệt hỗ trợ năm 2024 (liên kết tổ chức sản xuất tiêu thụ sản phẩm thanh long của HTX Thanh long Phú Cường và liên kết của HTX Thanh long Thuận Quý). Theo đó, đã vận động được 7 HTX (HTX Hàm Minh 30, HTX Hàm Kiệm, HTX Quốc Cường, HTX Thuận Quý, HTX Triều Bảo, HTX Phú Cường, HTX Thuận Minh Phát) liên kết với 5 doanh nghiệp tham gia vào các dự án liên kết. Sản lượng liên kết trên cây thanh long là 111ha/2.980 tấn/năm và trên bò là 154 con/41 tấn/năm. Tổng nguồn vốn thực hiện các chuỗi liên kết đến cuối năm 2024 là hơn 31 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ gần 20 tỷ đồng, vốn đối ứng là 11 tỷ đồng. Hiện nay đã giải ngân được hơn 10 tỷ đồng.
Huyện Hàm Thuận Nam đã hình thành được 5 chuỗi liên kết cấp huyện với sản phẩm chủ lực là thanh long.
Với 7 dự án, kế hoạch liên kết tập trung chủ yếu vào trái thanh long, bước đầu giúp các xã viên HTX an tâm sản xuất, đầu ra sản phẩm ổn định, giá cả bền vững, tránh tình trạng tư thương ép giá khi tới mùa vụ. Không chỉ vậy, đây là con đường ngắn nhất để nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu và các HTX có thể chế biến và xuất khẩu, không phải thông qua các công ty xuất nhập khẩu ngoài tỉnh. Song song đó, Tánh Linh cũng đang thực hiện 1 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo nếp của HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình.
Rau an toàn Tiến Phát - Đức Linh.
Cái bắt tay chặt chẽ
Như vậy, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 12 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đang tiếp tục được triển khai (11 dự án, kế hoạch cấp huyện và 1 kế hoạch liên kết cấp tỉnh). Hiện nay đang phát triển thêm 8 chuỗi nữa (4 chuỗi liên kết cấp tỉnh và 4 chuỗi liên kết cấp huyện) đã lập hồ sơ, trong đó có 7 chuỗi được thông qua Hội đồng họp thẩm định và đang chỉnh sửa nội dung, trong đó Hàm Thuận Bắc 3 dự án cấp tỉnh (2 dự án liên kết thanh long và 1 dự án liên kết lúa); Tánh Linh 4 dự án liên kết (3 dự án liên kết lúa và 1 dự án rau); Tuy Phong 1 kế hoạch cấp huyện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa chất lượng cao tại HTX KD-DV Nông nghiệp Long Điền.
Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn, sự phát triển các chuỗi liên kết ở các huyện Đức Linh và Hàm Thuận Nam một cách mạnh mẽ thời gian qua, là nhờ vào cán bộ quản lý ngành nông nghiệp của địa phương dám nghĩ dám làm, hiểu rõ chính sách, dám chịu trách nhiệm, tham mưu kịp thời để các HTX, nông dân hưởng được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giúp kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển. Trong năm 2024, tổng kinh phí hỗ trợ 12 dự án liên kết trên là hơn 18,6 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 4,5 tỷ đồng.
Các HTX phải chủ động, sáng tạo, xây dựng và phát triển thương hiệu. Ảnh: N.Lân
Có thể thấy, các HTX phát triển không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên HTX mà cho cả nông dân ở địa phương đó, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, giúp tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy để các chuỗi liên kết sản xuất không bị đứt gãy, tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mẽ ở các địa phương khác, chỉ có tuyên truyền sâu rộng, mới có thể làm thay đổi nhận thức, hành động, thói quen canh tác của nông dân, của các HTX nông nghiệp nhằm chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế. Đồng thời, tận dụng hết nguồn lực có sẵn ở nông thôn để phát triển các dịch vụ qua các mô hình HTX, hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch nông thôn…
Tận dụng cơ hội để các HTX được hưởng lợi từ các nguồn lực, các chương trình liên kết chuỗi, chương trình, dự án hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế… Đặc biệt, thực hiện các chính sách hỗ trợ các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp gắn với công tác liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các HTX phải chủ động, sáng tạo, xây dựng và phát triển thương hiệu, hợp tác trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương đã thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ các chuỗi liên kết…
Khi các mắt xích liên kết sản xuất, tiêu thụ ngày càng vững chắc, các HTX hoạt động thực chất, hiệu quả, thì tiêu chí 13 không còn là rào cản đối với các địa phương và quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao chỉ còn là thời gian.
M. VÂN
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/xay-dung-nong-thon-moi-can-su-lien-ket-nhieu-nha-126782.html