Lợi thế du lịch biển ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Nỗ lực thoát nghèo
Thanh Hóa có 102km bờ biển, nhiều xã vùng bãi ngang ven biển có xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp, bình quân mỗi xã mới đạt hơn 4/19 tiêu chí. Cuối thế kỷ trước, đời sống dân sinh, kinh tế khu vực này còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất yếu kém, phương tiện nghề cá lạc hậu.
Từng bước kiên cố hóa hệ thống đê biển, đê cửa sông, chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cùng các chính sách an sinh xã hội, thu hút nhân lực về các xã đặc biệt khó khăn công tác, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng duyên hải Thanh Hóa.
Với định mức đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu trên, dưới 1 tỷ đồng/năm, người dân được tạo thêm cơ hội sinh kế, hỗ trợ bao phủ bảo hiểm y tế đã tạo nên những đổi thay, khơi thêm động lực nâng cao chất lượng cuộc sống ở các xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.
Cán bộ xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa họp giao ban định kỳ.
Sau nhiều năm được đầu tư hạ tầng thiết yếu, diện mạo nông thôn xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa có nhiều đổi mới. Ba trường học, trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia, đường giao thông, bến cá Hoằng Trường được nâng cấp. Người dân tiếp cận, được thụ hưởng quyền lợi cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin, được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Có thêm cán bộ, công chức, viên chức không là người địa phương được thu hút, điều động, luân chuyển về xã vùng duyên hải công tác.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoằng Trường Nguyễn Thanh Cảnh cho hay: Xã đã thoát nhóm xã nghèo vùng bãi ngang ven biển, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện cán bộ, nhân dân trong xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Noi theo thôn Văn Phong đã được công nhận thôn kiểu mẫu, nhân dân thôn Hải Sơn hiến 300m2 đất thổ cư, tháo dỡ cổng cùng tường rào để mở rộng khoảng 500m đường giao thông nông thôn gắn với thi công hệ thống thoát nước.
Nhằm tạo thêm nguồn lực nội sinh, cấp ủy, chính quyền xã Hoằng Trường tập trung lãnh đạo, điều hành phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ gắn với chế biến nên có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.
Gần đây chủ đầu tư đã đưa vào khai thác Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường tọa lạc trên diện tích gần 19ha, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.
Đường giao thông ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc được kiên cố hóa, kết nối với tuyến đê biển.
Ở vùng duyên hải huyện Hậu Lộc, địa phương từng xảy ra vỡ đê biển vào mùa mưa bão năm 2005, hệ thống đê biển, các tuyến đường ra bến cá, trường học, trạm y tế được kiên cố hóa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đa Lộc Nguyễn Hải Năm cho hay: Định mức đầu tư xây dựng cơ bản cho xã bãi ngang chủ yếu bố trí phát triển giao thông, chợ, kiên cố hóa kênh phương theo danh mục phân bổ; người dân được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, học sinh được hỗ trợ học tập. Theo đó, đời sống dân sinh, kinh tế ở Đa Lộc không ngừng được cải thiện, nâng cao, xã đã thoát nghèo vào năm 2019.
Được biết, giai đoạn 2015-2020, tỉnh Thanh Hóa có 17 xã vùng bãi ngang thoát nghèo. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc Trịnh Cao Sơn thông tin thêm: Trong 5 xã vùng bãi ngang ven biển huyện Hậu Lộc có 4 xã đã thoát nhóm đặc biệt khó khăn, đạt chuẩn nông thôn mới; chỉ còn xã Ngư Lộc đang nỗ lực vượt khó, góp phần cùng huyện Hậu Lộc được thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Vùng duyên hải đang hoàn thiện, phát triển thêm các tuyến giao thông kết nối và tương lai gần khu vực này sẽ định hình đô thị Diêm Phố, bao gồm địa giới hành chính 4 xã phía đông kênh De, hình thành cực tăng trưởng, kết nối liên huyện, với các đô thị du lịch, dịch vụ, tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế biển.
Khơi thêm nguồn lực nội sinh
Đi đôi với thực hiện hiệu quả các chính sách, nguồn lực đầu tư cho các xã vùng bãi ngang gắn với lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương vùng duyên hải Thanh Hóa chủ động thực thi các giải pháp phát huy lợi thế, khơi thêm nguồn lực nội sinh. Nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ theo hướng công nghệ cao phát triển với cơ cấu con nuôi chủ lực là tôm, ngao; các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn bước đầu khai thác có hiệu quả lợi thế du lịch biển.
Giai đoạn 2021-2023, nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao đạt doanh thu bình quân 2,3 tỷ đồng, nuôi công nghệ cao đạt 4,5 tỷ đồng/ha/năm. Qua đó tăng nguồn cung, giảm áp lực, cường lực khai thác hải sản, nhiều sản phẩm thủy sản chế biến sâu được công nhận sản phẩm OCOP, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vùng duyên hải Thanh Hóa có thêm nhiều xã vùng bãi ngang thoát nghèo, hoàn thành các tiêu chí, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã đảo Nghi Sơn được đầu tư lấn biển làm đường ra bến cá, sân bóng đá.
Trong tỉnh Thanh Hóa, hiện còn các xã: Nghi Sơn, Hải Hà thuộc thị xã Nghi Sơn và xã Ngư Lộc, thuộc huyện Hậu Lộc được thụ hưởng các chính sách, danh mục đầu tư đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Người dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được thụ hưởng chính sách ưu đãi và ngân sách Trung ương phân bổ 60 tỷ đồng xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu. Ngoài xã Hải Hà phải chuyển cư theo quy hoạch xây dựng khu kinh tế, khai thác lợi thế cảng biển Nghi Sơn; xã Nghi Sơn và Ngư Lộc được phân bổ tổng 55 tỷ đồng đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây lắp các công trình hạ tầng, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Xã Nghi Sơn có diện tích tự nhiên gần 328ha, dân số 9.678 người, cư trú mật độ cao phía tây nam bán đảo Biện Sơn. Được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, công trình phúc lợi công cộng đối với xã vùng hải đảo, xã Nghi Sơn tiếp tục lấn biển làm sân vận động, mở rộng khuôn viên, xây dựng trường học, chợ, nâng cấp đường ra bến cá, trục giao thông chính. Công sở, nhà văn hóa đa năng, trạm y tế cũng được đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành xây lắp, đưa công trình xử lý nước thải công suất 5.000m3/ngày đêm vào vận hành. Người dân hưởng lợi chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức đã thu hút nhiều nhân lực có trình độ cao về xã đảo công tác, nhất là viên chức giáo dục.
Chủ tịch Ủy ban nhân xã Nghi Sơn Nguyễn Ngọc Thương trao đổi: Giai đoạn này xã đảo Nghi Sơn tiếp tục được đầu tư 22,5 tỷ đồng để xây dựng 4 nhà văn hóa, nhà khám chữa bệnh cùng khuôn viên trạm y tế, đường đến các điểm trường học, ra bến cá. Đây là nguồn lực quan trọng để xã Nghi Sơn tiếp tục thực hiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh đó, chính quyền xã quan tâm huy động nguồn lực, tăng cường quản lý, thực hiện tốt quy hoạch phân khu số 13, nhất là phát triển giao thông kết nối, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giãn dân, sắp xếp dân cư, mở mang, phát triển thêm các loại hình du lịch, dịch vụ.
Khai thác lợi thế du lịch-hướng đi mới ở xã đảo Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa Trần Văn Hùng ghi nhận, hơn hai thập niên qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững tạo thêm nguồn lực quan trọng cho các xã vùng bãi ngang, hải đảo tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu, người dân được hưởng lợi các chính sách sinh kế, giảm nghèo đa chiều, dần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỉnh Thanh Hóa cùng các địa phương chủ động thực thi các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, phát huy tinh thần chủ động vươn lên thoát nhóm xã nghèo, đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành các đô thị vùng duyên hải theo quy hoạch.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa hiện chỉ còn 3 xã được hưởng lợi các chính sách theo Quyết định số 353-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với việc thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, điều hành thực hiện hiệu quả các chương trình trọng tâm, khâu đột phá, kết nối 6 hành lang kinh tế nhằm khơi thêm nguồn lực nội sinh cho vùng duyên hải tăng tốc, phát triển bền vững.
MAI LUẬN