Xây dựng nông thôn mới: Tăng tốc giải ngân, quyết tâm về đích

Xây dựng nông thôn mới: Tăng tốc giải ngân, quyết tâm về đích
3 giờ trướcBài gốc
Tổng kế hoạch vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 554,2 tỷ đồng, nhưng đến ngày 30/9/2024 chỉ giải ngân 133,3 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trên 118 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 15,3 tỷ đồng.
Chật vật giải ngân
Từ nguồn vốn đầu tư năm 2024, tỉnh bố trí cho 5 huyện miền núi 160 tỷ đồng để triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, cụ thể: Trà Bồng 44 tỷ đồng, Ba Tơ 35 tỷ đồng, Sơn Hà 32 tỷ đồng, Minh Long 31 tỷ đồng và Sơn Tây 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30/9, các địa phương trên chỉ giải ngân 6,5 tỷ đồng (hơn 4%), trong đó huyện Sơn Tây chưa giải ngân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, việc giải ngân vốn chương trình xây dựng NTM không chỉ có ý nghĩa về mặt tài chính, ngân sách mà còn là yếu tố quan trọng để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư phát triển những năm tiếp theo. Do đó, tỉnh yêu cầu các địa phương quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Các sở, ngành, đơn vị được phân giao phụ trách các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong quá trình thực hiện, cũng như lập hồ sơ, thủ tục, nhất là các nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí có quy định mới, chuẩn cao hơn, khó thực hiện. Đồng thời có giải pháp khắc phục tình trạng rớt chuẩn, hụt chuẩn nhằm nâng chất lượng các tiêu chí, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch xây dựng NTM năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân cho biết, nguồn vốn từ chương trình xây dựng NTM đã góp phần làm đổi thay diện mạo hạ tầng cũng như cuộc sống người dân các xã trên địa bàn huyện, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế... Vì vậy, huyện nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Song, ngoài việc giao vốn chậm thì những tháng đầu năm, các địa phương, chủ đầu tư tập trung thực hiện và giải ngân vốn năm 2023 được phép kéo dài sang năm 2024, nên chưa chú trọng đẩy mạnh giải ngân vốn năm 2024. Vậy nên, đến thời điểm này, huyện vẫn chưa giải ngân 18 tỷ đồng vốn đầu tư năm 2024 bố trí thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Một số xã đăng ký về đích NTM năm 2024 thì rơi vào trường hợp “có tiền nhưng không thể tiêu” vì vướng quy hoạch. Đơn cử như xã Ba Điền (Ba Tơ), hiện đang loay hoay với chỉ tiêu 17.5 thuộc tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Thực hiện chỉ tiêu 17.5, UBND xã Ba Điền được bố trí vốn đầu tư xây dựng nghĩa trang nhân dân xã, nhưng quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa được phê duyệt, nên công trình chưa biết đến bao giờ mới triển khai thực hiện.
Giao thông nông thôn ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) được xây dựng kiên cố. Ảnh: M.HOA
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn thấp dẫn đến việc thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, tại các xã còn chậm. Nguyên nhân một phần do nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí chậm, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện chương trình tại các địa phương. Ngoài ra, các xã đăng ký về đích NTM năm 2024 - 2025 phần lớn thuộc diện đặc biệt khó khăn, dẫn đến gặp khó trong việc huy động nguồn lực.
Bên cạnh đó, một số xã vướng tiêu chí “mềm”, nên khó có thể hoàn thành công tác trình hồ sơ đề nghị thẩm định theo thời gian quy định. Như xã Long Hiệp (Minh Long), chỉ còn 1 chỉ tiêu 19.2 thuộc tiêu chí số 19 chưa đạt, do tăng 1 vụ tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông so với năm 2023. Ngoài ra, vụ việc xảy ra năm 2023 trên địa bàn xã Long Hiệp dẫn đến địa phương này vẫn thuộc địa bàn phức tạp về tội xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Điều này ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM trong năm 2024 - 2025.
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn
Hiện nay, chính quyền các địa phương đang tập trung lập kế hoạch, phân bổ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM kịp thời, đúng quy định; đồng thời đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, cùng với nỗ lực giải ngân vốn, huyện chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban liên quan hỗ trợ, hướng dẫn xã Sơn Kỳ tiếp nhận xi măng để triển khai xây dựng các công trình đường giao thông, kênh mương nội đồng. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện khẩn trương thực hiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trường mầm non, Trường Tiểu học Sơn Kỳ, đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn mức độ 1. Qua đó, đảm bảo xã Sơn Kỳ hoàn thành 3 tiêu chí còn lại là giao thông, trường học và thu nhập để về đích NTM đúng lộ trình vào cuối năm 2024.
Nguy cơ phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, đến thời điểm này, các địa phương đăng ký về đích NTM năm 2024 chưa phân bổ nguồn kinh phí đối ứng ngân sách huyện, xã theo quy định. Riêng huyện Trà Bồng đã giao đối ứng một phần kinh phí cho 2 xã Trà Tân, Trà Giang nhưng vì không có nguồn thu, nên 2 xã này gặp khó về khoản kinh phí đối ứng huyện giao, dẫn đến nguy cơ phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đối với 9 xã đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2024, chính quyền các địa phương cũng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp. Như xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), hiện còn 9 tiêu chí chưa đạt, trong đó tiêu chí giao thông và giáo dục có khá nhiều chỉ tiêu chưa đạt. Đó là đường xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông và 12 tuyến đường thôn (gần 10km) đã được cứng hóa, nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, trên địa bàn xã Tịnh Phong cũng chưa có trường học nào đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 theo quy định của Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025.
Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Phong Trần Đức A thông tin, đối với nhóm tiêu chí hạ tầng, địa phương đã rà soát, lập kế hoạch trình UBND huyện bố trí kinh phí tu sửa các tuyến đường giao thông, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay là tiêu chí thu nhập, vì kết quả rà soát sơ bộ hiện chỉ đạt khoảng 52 triệu đồng/người/năm, trong khi quy định phải từ 60 triệu đồng/người/năm. Do đó, cùng với nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, xã định hướng, khuyến khích người dân trong độ tuổi lao động chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, chương trình xây dựng NTM có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển toàn diện khu vực nông thôn, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Vậy nên, cùng với nguồn ngân sách nhà nước phân bổ cho chương trình NTM, chính quyền các địa phương cần lồng ghép hiệu quả nguồn lực của các chương trình, dự án khác trên địa bàn. Đồng thời, tích cực huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân tự nguyện đóng góp, tài trợ để thực hiện hoàn thành các tiêu chí NTM, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
MỸ HOA
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/kinh-te/202410/xay-dung-nong-thon-moi-tang-toc-giai-ngan-quyet-tam-ve-dich-7f324f7/