Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định cùng phát triển

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định cùng phát triển
5 giờ trướcBài gốc
Trao đổi công tác công đoàn giữa LĐLĐ tỉnh với các doanh nghiệp tiêu biểu năm 2024.
Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn
Theo đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chỉ đạo công đoàn các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) trong doanh nghiệp ngoài nhà nước với mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ). Đến nay, toàn tỉnh có 127 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc được nhiều đơn vị quan tâm lãnh đạo, việc xây dựng và triển khai thực hiện ngày càng đi vào nền nếp.
Các doanh nghiệp đã công khai những nội dung phải công khai và xin ý kiến người lao động; qua đó, không khí dân chủ được cởi mở. Hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng được công khai, minh bạch hơn, người lao động ý thức hơn trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Theo tổng hợp, số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở đạt 85,1%; tổ chức công đoàn đã đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị đối thoại đạt 75%; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động đạt 92%.
Công nhân Nhà máy xi măng Mai Sơn vận hành dây chuyền sản xuất tại phòng điều hành trung tâm.
Ông Vàng A Lả, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: Vai trò của tổ chức công đoàn các cấp, nhất là ở các doanh nghiệp ngày càng được phát huy trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Các CĐCS đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ thực hiện nghiêm các nội quy, quy định của doanh nghiệp, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và bản thân.
Các tổ chức công đoàn tích cực, chủ động phối hợp với ban giám đốc doanh nghiệp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại tại nơi làm việc. Hướng dẫn, tư vấn cho NLĐ trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng lao động; đại diện tập thể NLĐ thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tham gia tích cực với chủ sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, quy chế trả lương, thưởng, định mức lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động ở cơ sở, tạo niềm tin, sự gắn bó của NLĐ với doanh nghiệp.
Anh Lò Văn Hưởng, Công nhân Nhà máy Mía đường Sơn La, cho biết: Tiền lương và các chế độ cho đội ngũ công nhân được Ban giám đốc quan tâm, cùng với môi trường làm việc thân thiện và trách nhiệm nên chúng tôi rất yên tâm công tác.
Công nhân Nhà máy mía đường Sơn La trong ca sản xuất.
Các công đoàn cơ sở đã chủ động tập hợp ý kiến của đoàn viên, người lao động để thương lượng với chủ doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) phù hợp với thực tế của doanh nghiệp với các điều khoản có lợi cho người lao động như chế độ ăn ca, thăm hỏi, ốm đau, tham quan, du lịch và các chế độ phúc lợi xã hội khác. Đến nay, đang có 90/127 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã ký kết bản TƯLĐTT; có 49 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho người lao động với tổng giá trị bữa ăn ca từ 18 - 80 nghìn đồng/suất, đảm bảo dinh dưỡng để tái tạo sức lao động và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Hằng năm, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”. Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực được các cấp công đoàn tổ chức, hướng về cơ sở, nổi bật là chương trình “Tết sum vầy – Xuân chia sẻ”, “Chợ Tết công đoàn”, giúp cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đón Tết cổ truyền của dân tộc thêm đầm ấm, vui tươi hơn.
Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” dịp Xuân Ất Tỵ 2025 tiếp tục được tổ chức tập trung tại các công đoàn cấp cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở và các đơn vị, doanh nghiệp; ở nơi có đông đoàn viên, lao động. Những nơi không tổ chức tập trung, căn cứ điều kiện thực tế sẽ tổ chức các hoạt động phù hợp để đón Tết, đảm bảo mọi đoàn viên, người lao động đều được quan tâm, chăm lo của tổ chức công đoàn. LĐLĐ tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, hội thi gói bánh chưng, trao 100 tấm vé nghĩa tình cho công nhân, lao động về quê đón Tết.
LĐLĐ huyện Mai Sơn trao quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại chương trình "Bữa cơm công đoàn".
Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch CĐCS Nhà máy xi măng Mai Sơn, cho biết: Với 256 đoàn viên, năm 2024, Công đoàn phối hợp với Ban giám đốc công ty thưởng Tết cho công nhân, người lao động trung bình là 8 triệu đồng/người. Năm nay, Công đoàn cơ sở phối hợp với Ban giám đốc tiếp tục chăm lo Tết cho công nhân, người lao động, như thưởng tháng lương thứ 13; phối hợp cùng CĐCS ngành Công thương và LĐLĐ tỉnh phát quà tết sum vầy 25 đoàn viên; hỗ trợ làm nhà dột nát cho 2 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn từ quỹ “Mái ấm Công đoàn”.
Bảo đảm lợi ích hài hòa, tạo đà cho phát triển
Kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La đang có nhiều chuyển biến tích cực; số doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh ngày càng tăng và có sự liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Các chỉ số tiêu dùng trên địa bàn luôn tăng cao; kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người dân thay đổi, người lao động trong doanh nghiệp có cuộc sống ổn định với mức sống trung bình khá so với mặt bằng chung. Trên địa bàn, không có tranh chấp lao động xảy ra giữa các đơn vị doanh nghiệp, giữa người lao động với chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, nhất là ở vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho người lao động còn hạn chế. Vai trò của cán bộ CĐCS trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ ở một số đơn vị chưa rõ nét; việc xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT còn trở ngại…
LĐLĐ tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn chuyên trách.
Đồng chí Vàng A Lả, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết thêm: Các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động, nhất là người lao động ở các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, nhất là thực hiện chức năng đại diện công đoàn trong đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Kịp thời phối hợp các ngành chức năng giải quyết tranh chấp lao động, đình công nhằm bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tư vấn pháp luật của các cấp Công đoàn. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và NLĐ về quan hệ lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Phong Lưu
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/xay-dung-quan-he-lao-dong-hai-hoa-on-dinh-cung-phat-trien-WGkY1WONR.html