Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai xây dựng và vận hành nhiều cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ chuyển đổi số và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn tồn tại một số hạn chế. Đó là thể chế và hành lang pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ; hạ tầng số phân tán, khó tích hợp; dữ liệu trùng lặp, thiếu chuẩn hóa và việc tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính còn hình thức, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Những bất cập này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Nhà nước, việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số và Đề án 06.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn. Ảnh: VGP.
Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cùng chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.
Về thể chế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan ban hành quy định bắt buộc về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, xác định rõ danh mục dữ liệu cần chia sẻ, tiêu chuẩn kỹ thuật và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan. Những quy định này phải được hoàn tất trong tháng 8/2025.
Bộ Công an cũng được giao xây dựng các quy định về kiến trúc dữ liệu quốc gia tổng thể, khung quản trị và từ điển dữ liệu dùng chung, nhằm phù hợp với yêu cầu phân cấp trong quản lý Nhà nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xây dựng khung kiến trúc tổng thể quốc gia số, bảo đảm tính kết nối, liên thông giữa các khối cơ quan từ trung ương đến cấp xã, hoàn thành trong tháng 8/2025.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng phải ban hành tiêu chuẩn kết nối dữ liệu từ địa phương lên trung ương và hoàn thiện cơ chế chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu với Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Về hạ tầng số, Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bên liên quan rà soát toàn diện hiện trạng các cơ sở dữ liệu hiện có, tiếp tục xây dựng hệ thống dữ liệu theo từng cấp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất cấu trúc, tiêu chuẩn, phục vụ việc kết nối dữ liệu toàn quốc. Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ được xây dựng và chính thức đưa vào vận hành từ ngày 19/8/2025, cung cấp hạ tầng dùng chung và bảo đảm an ninh cho toàn bộ hệ thống dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương.
Đối với vấn đề dữ liệu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đôn đốc các cơ quan hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành theo đúng lộ trình. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí ngân sách.
Các bộ, ngành phải hoàn thiện 116 cơ sở dữ liệu được nêu trong Nghị quyết 71/NQ-CP của Chính phủ và hoàn thành xây dựng 11 cơ sở dữ liệu theo Kế hoạch số 02 trong quý 3/2025. Toàn bộ dữ liệu cần đáp ứng tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, dùng chung” và được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước 2023 và Nghị định số 70/2024/NĐ-CP. Các Bộ, ngành tích hợp, cung cấp giấy tờ điện tử trên ứng dụng VNeID, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, công ty công nghệ như VNPT, Viettel, FPT, MobiFone, TecaPro, CMC, GTel... hỗ trợ các địa phương nâng cấp hệ thống thông tin, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính liên tục, không bị gián đoạn.
Về nguồn lực, Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để đầu tư, nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng và dữ liệu số. Bộ Nội vụ được giao rà soát và có phương án đào tạo, tuyển dụng hoặc thuê chuyên gia công nghệ thông tin phù hợp với đặc thù từng ngành, địa phương. Các địa phương cũng cần chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động thêm các nguồn lực hợp pháp để hoàn thành nhiệm vụ theo Công điện.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng được giao trực tiếp chỉ đạo triển khai các nội dung trong Công điện.
Hà Anh
Theo Cổng TTĐT Chính phủ