Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP
19 giờ trướcBài gốc
Theo quy định, đối với các sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, qua 3 năm phải tiến hành đánh giá, phân hạng lại. Tuy nhiên, thực tế có những sản phẩm không đủ điều kiện để tiếp tục công nhận sản phẩm OCOP. Điều đó cho thấy, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đòi hỏi các chủ thể phải chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.
Hợp tác xã 3TFarm (huyện Cao Phong) chú trọng xây dựng thương hiệu cam quả sản xuất theo hướng hữu cơ.
Xây dựng thương hiệu là cách giúp các sản phẩm nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng có sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, người sản xuất được nâng cao kiến thức về quy trình lựa chọn nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, bảo quản, tiếp thị sản phẩm. Đồng thời, tiến hành các công việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý để tránh bị xâm phạm... Đây cũng là cơ sở để bảo vệ, phát triển và quảng bá sản phẩm trên thị trường.
Trong khi những sản phẩm khác dù đã được "gắn sao” OCOP song vẫn loay hoay khẳng định chỗ đứng trên thị trường thì với nền tảng sẵn có, các sản phẩm OCOP cam quả của Hợp tác xã (HTX) Nông sản 3T Farm đã phát triển ổn định và trở thành thương hiệu nổi trội trên thị trường. Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX Nông sản 3T Farm cho biết: Ngay khi xây dựng sản phẩm cam quà tặng 3T Farm, HTX đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ về quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, HTX chú ý xây dựng tem mác, hộp bao bì, cung cấp các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, việc cam Cao Phong đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý là điều kiện thuận lợi để sản phẩm cam của HTX có thể tiêu thụ ổn định.
Ngoài sản phẩm từ cam, các sản phẩm dược liệu, chế biến dược liệu cũng có sức cạnh tranh lớn so với các sản phẩm OCOP cùng loại trên thị trường. Trong đó phải kể đến các sản phẩm OCOP 4 sao là cao dược liệu cà gai leo và cao dược liệu xạ đen của HTX Tuyết Nhi (thôn Đồng Bon, xã Cao Dương, Lương Sơn); sản phẩm cao dược liệu nghệ đen của HTX Ngọc Sáng (xã Bắc Phong, Cao Phong)… Chị Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc HTX Tuyết Nhi cho biết: Hòa Bình có nhiều lợi thế để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP từ dược liệu. Bởi từ lâu Hòa Bình được biết đến là vùng đất có nhiều loại thảo dược quý và còn lưu truyền nhiều tri thức dân gian về nghề thuốc nam. Nguồn nguyên liệu dồi dào và có nghề thuốc nam lâu đời là hai yếu tố tôi luôn chú trọng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Đối với các sản phẩm OCOP, những câu chuyện sản phẩm chạm được đến người tiêu dùng cũng là một cách xây dựng thương hiệu tích cực, hiệu quả. Ông Đỗ Hùng, chủ sở hữu của 2 sản phẩm OCOP 3 sao là rượu nếp nương men lá và rượu nếp râu Yên Thượng đã xây dựng thành công thương hiệu Thủy Thượng xứ Mường nhờ phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc để xây dựng câu chuyện sản phẩm. Ông Hùng cho biết: Chúng tôi xây dựng thương hiệu Thủy Thượng xứ Mường dựa trên cảm hứng từ Sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường, đó là cách thức chưng cất cổ truyền ba ba thủy thượng của người Mường xưa kết hợp với men lá và nước suối tự nhiên. Đồng thời, tôi đã phối hợp với người dân vùng Thạch Yên (Cao Phong) khôi phục sản phẩm đặc trưng là lúa nếp râu được biết đến như đặc sản lâu đời ở đây, chuyển hóa, kết hợp để phát huy được giá trị trên thị trường. Với việc liên kết cùng các hộ trồng giống nếp râu đặc sản của vùng Mường Thàng để có nguồn nguyên liệu ổn định, sử dụng công nghệ trong sản xuất rượu ngâm ủ lâu năm và có câu chuyện sản phẩm ý nghĩa, sản phẩm rượu của Thủy Thượng xứ Mường đã được hội đồng đánh giá xếp hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh, người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 121 sản phẩm còn chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có hơn 40 sản phẩm OCOP 4 sao, 1 sản phẩm OCOP 5 sao. Các chủ thể đã đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học - công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, logo, tem truy xuất nguồn gốc... để sản phẩm dần xây dựng được thương hiệu.
Đặc biệt, để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, những năm qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu (hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, in tem, nhãn sản phẩm OCOP; duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc...). Tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho các chủ thể xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Nỗ lực xây dựng các thương hiệu mạnh cho sản phẩm OCOP của tỉnh để người tiêu dùng trong và ngoài nước nhận diện, tiêu thụ.
Phương Linh
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/319/199838/xay-dung-thuong-hieu-cho-cac-san-pham-ocop.htm