Xây dựng thương hiệu 'Gạo Phúc Thọ'

Xây dựng thương hiệu 'Gạo Phúc Thọ'
4 giờ trướcBài gốc
Với hơn 3.700ha trồng lúa, huyện Phúc Thọ là vùng trồng lúa trọng điểm của Thủ đô, với nhiều mô hình lúa chất lượng cao. Huyện Phúc Thọ phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1.300ha lúa chất lượng cao, sản xuất tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm “Gạo Phúc Thọ”.
Mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ).
Ông Đỗ Thế Diến, ở xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) chia sẻ, từ năm 2023 được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, nông dân xã Liên Hiệp bắt đầu gieo cấy giống lúa chất lượng cao TBR225 theo hướng an toàn. Đó là giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nên giảm được khá nhiều công chăm sóc. Qua 2 năm gieo trồng, năng suất lúa tăng cao, đạt từ 6,5 đến 7 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP.
Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp Đinh Trọng Bổng cho rằng, mô hình trồng lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân trong xã nâng cao chất lượng, giá trị từ cây lúa. Với sự hỗ trợ 50% về giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… của ngành Nông nghiệp, nên chi phí sản xuất giảm, lúa được sản xuất sạch, không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn được doanh nghiệp thu mua ngay sau thu hoạch, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Không chỉ có xã Liên Hiệp, trên địa bàn huyện Phúc Thọ còn hình thành nhiều mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại các xã: Võng Xuyên, Thọ Lộc, Hát Môn, Ngọc Tảo, Phụng Thượng... Đặc biệt, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ xã triển khai thành công mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới, như: Sơn Lâm 1 và Sơn Lâm 2 tại các xã: Hát Môn, Tích Giang, Ngọc Tảo; mô hình cánh đồng lúa cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 20ha ở Ngọc Tảo… Đến nay, huyện Phúc Thọ đã hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, quy mô lớn.
Để xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, nhất là hình thành chuỗi lúa gạo, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa cho rằng, các mô hình phải có sự khâu nối với doanh nghiệp.
“Xác định công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nên ngay từ khi triển khai các mô hình trồng lúa chất lượng cao, đặc biệt là tại huyện Phúc Thọ, trung tâm đã kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Hiện có 5 doanh nghiệp tham gia ký kết với các hợp tác xã tiêu thụ lúa gạo”, bà Hoàng Thị Hòa chia sẻ.
Đánh giá về các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, VietGAP, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương khẳng định, mô hình không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất, hình thành nên các vùng sản xuất lúa hàng hóa. Đồng thời, nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, với các địa phương có diện tích trồng lúa lớn, việc đưa các giống chất lượng cao, sản xuất theo chuỗi khép kín như huyện Phúc Thọ là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện phát triển của Hà Nội.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, toàn huyện có khoảng 3.700ha trồng lúa và trong những năm qua, huyện Phúc Thọ đã chuyển đổi gần 400ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác. Vì diện tích đất trồng lúa của huyện còn khá lớn và nhiều nơi chưa khai thác hết tiềm năng đất lúa, nên huyện Phúc Thọ rất quan tâm tới phát triển nông nghiệp. Việc đưa những giống lúa mới, có chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế sẽ kéo người nông dân quay trở lại với đồng ruộng, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa xây dựng thương hiệu gạo của địa phương và hình thành các chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín.
“Huyện Phúc Thọ phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1.300ha lúa chất lượng cao, sản xuất tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời, xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm “Gạo Phúc Thọ” để cây lúa vẫn xanh, tốt trên đồng đất Phúc Thọ. Huyện sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, hợp tác xã xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm, tăng nguồn lợi kinh tế từ các dịch vụ nông nghiệp…”, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh.
Đỗ Minh
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/xay-dung-thuong-hieu-gao-phuc-tho-685681.html