Các đại biểu tham dự tại tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)
"Không chỉ là một siêu dự án tài chính, trung tâm tài chính quốc tế nếu được xây dựng thành công tại Việt Nam sẽ là bệ phóng giúp dòng vốn toàn cầu chảy về, tạo đột phá cho thị trường tài chính và nâng cao vị thế kinh tế quốc gia. Nhưng nếu chậm một bước, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau."
Đây là nhận định của ông Richard D. McClellan Nguyên Giám đốc Quốc gia của Viện Tony Blair tại Việt Nam - chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư tại Tọa đàm "Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính" do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 16/4.
Tại sao phải có Trung tâm tài chính quốc tế?
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế (IFC) là một trong những quyết sách lớn nhằm thúc đẩy cải cách thể chế, giải phóng nguồn lực, nâng tầm cạnh tranh và hội nhập tài chính quốc tế cho Việt Nam.
"Sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok cùng với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đòi hỏi Việt Nam phải hành động nhanh chóng. Các tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng khắt khe từ FATF/OECD, cùng với thời gian cần thiết cho quá trình cải cách, nhấn mạnh sự cấp bách của việc triển khai ngay lập tức. Việc chậm trễ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong tương lai, mà còn đe dọa nền tảng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam,” ông Richard D. McClellan cảnh báo.
Theo chuyên gia này, thành lập trung tâm tài chính quốc tế không phải chuyện nên làm hay không, mà là vấn đề bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, dòng vốn sẽ không tự nhiên ào ào chảy đến khi Việt Nam tuyên bố thành lập trung tâm tài chính quốc tế. Để các nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam thì cần làm rất nhiều việc.
Cũng theo ông Richard D. McClellan, là cơ quan soạn thảo nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng trong trung tâm tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt trong việc thiết lập lộ trình tuân thủ các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF), đảm bảo rằng các quy định về sandbox phù hợp với các tiêu chuẩn chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT) ngay từ giai đoạn đầu.
Việc Ngân hàng Nhà nước chủ động truyền đạt rõ ràng tiến trình tuân thủ đến thị trường quốc tế là rất quan trọng để xây dựng lòng tin và thu hút đầu tư. Ngân hàng Nhà nước cần thiết kế các cơ chế di chuyển vốn minh bạch và an toàn, có thể triển khai theo từng giai đoạn, đồng thời đảm bảo giám sát chặt chẽ các hoạt động AML/CFT để tránh rủi ro bị đưa vào danh sách xám của FATF. Việc xây dựng khung pháp lý cho tài chính kỹ thuật số, bao gồm cả các quy định về sandbox cho công nghệ tài chính, tài sản mã hóa và tiền điện tử, cũng như áp dụng các tiêu chuẩn thận trọng phù hợp với Basel III, là cần thiết để tạo môi trường hoạt động an toàn và hiệu quả cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).
Vai trò của trung tâm tài chính quốc tế với Việt Nam là kết nối thị trường tài chính toàn cầu, thu hút tổ chức tài chính quốc tế và dòng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường huy động, phân bổ hiệu quả nguồn lực, tạo đột phá về thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thiết lập trung tâm tài chính quốc tế là thành phố/khu vực có vai trò then chốt trong cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…).
Ông Richard D. McClellan - Nguyên Giám đốc Quốc gia, Viện Tony Blair tại Việt Nam, hiện là chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư. (Ảnh: Vietnam+)
Thạc sỹ Lưu Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Hiện có nhiều trung tâm tài chính quốc tế có vị trí địa lý gần Việt Nam như: Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải (Trung Quốc)… để tận dụng được những lợi ích mà trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng mang lại đòi hỏi có các quy định chuyên sâu và sự kết nối giữa trung tâm tài chính trong nước và trung tâm tài chính quốc tế.
Có thể thấy, định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ở mức độ là trung tâm tài chính quốc tế toàn cầu và ở Đà Nẵng là trung tâm tài chính quốc tế có mức độ khu vực. Hai cấp độ này khác nhau để tránh sự cạnh tranh của hai trung tâm ngay ở trong nước.
“Nếu chúng ta muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cạnh tranh được với các trung tâm tài chính quốc tế hiện có trong khu vực, cần quan tâm đến chỉ số đánh giá xếp hạng trung tâm tài chính (GFCI) theo 5 tiêu chí: Môi trường kinh doanh và thuế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, phát triển thị trường tài chính, danh tiếng,” bà Lưu Ánh Nguyệt cho biết.
Khung pháp lý phải bảo đảm an toàn, hiệu quả
Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế là một chủ trương lớn, quan trọng và cũng là vấn đề khó, phức tạp đối với Việt Nam. Có thể nhận diện nhiều cách thức, điều kiện khác nhau để thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở các quốc gia nhưng đối với Việt Nam, việc thành lập IFC còn khó và khác biệt hơn với các nước không chỉ ở quy mô dân số, địa lý… mà còn khác biệt về khung pháp lý.
“Các trung tâm tài chính quốc tế vận hành lâu đời ở các quốc gia phát triển có hành lang pháp lý thông thoáng, đối với các nước có xuất phát điểm thấp hơn cũng có khu pháp lý thông thoáng hơn. Còn ở Việt Nam, chúng ta có quy định chặt chẽ để bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô. Đơn cử như về quy định giao dịch vốn, tự do hóa dòng vốn là một điều kiện lớn để thành lập IFC. Hiện Việt Nam có quy định chặt chẽ về vấn đề này,” ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Nguyễn Đức Long chia sẻ ý kiến tại tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)
Cũng theo ông Long, các cam kết quốc tế của chúng ta với đối tác thương mại vẫn có những yêu cầu về bảo vệ thị trường, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc mở thêm định chế tài chính, ngân hàng thương mại rất chặt chẽ. Nếu như đối chiếu theo những yêu cầu như vậy, nếu chúng ta có ưu đãi hơn nữa về điều kiện mở định chế tài chính thì cũng là một bài toán.
“Làm sao để tạo ra một khung pháp lý bảo đảm trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô. Trong trung tâm tài chính quốc tế, các định chế tài chính sẽ làm gì? Chúng tôi hiểu rằng hoạt động ngân hàng truyền thống sẽ không nhiều mà sẽ hướng về các hoạt động ngân hàng mới, theo thông lệ quốc tế. Đi kèm như vậy, việc quản lý an toàn hoạt động cũng được đặt ra,” ông Long nói.
Hiện nay, theo hướng các định chế tài chính khi được thành lập trong trung tâm tài chính phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế, theo chuẩn mực các quy định an toàn theo thông lệ quốc tế. Đối với các định chế tài chính Việt Nam được thành lập trong trung tâm tài chính, về nguyên tắc cũng sẽ áp dụng theo thông lệ quốc tế, ban hành thông tư mới về tỷ lệ an toàn vốn, tuân thủ theo Basel II nâng cao.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, có những thách thức nhất định. Đơn cử về hạ tầng và thể chế, hạ tầng kinh tế xã hội có đóng góp tích cực nhưng còn thiếu đồng bộ, giao thông quá tải, mất cân đối giữa các loại hình vận tải. Bên cạnh đó, khung pháp lý chưa đáp ứng chuẩn quốc tế, thiếu quy định về giao dịch xuyên biên giới, bảo vệ nhà đầu tư.
“Việc đầu tiên khi muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đó là cần hoàn thiện thể chế linh hoạt, hiện đại. Kết nối toàn cầu, phát triển khu tài chính kỹ thuật số, hỗ trợ start-up, fintech thử nghiệm dịch vụ mới; ứng dụng AI, blockchain, big data trong giao dịch, quản lý dữ liệu và bảo mật tài chính. Bên cạnh đó, cần miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho tổ chức, cá nhân hoạt động tại trung tâm tài chính quốc tế,” bà Lưu Ánh Nguyệt đề xuất./.
(Vietnam+)