Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam – 'cú hích' cho nền kinh tế

Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam – 'cú hích' cho nền kinh tế
2 giờ trướcBài gốc
Sáng 17/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp về kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và hai địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Trung tâm tài chính quốc tế sẽ được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt - TTXVN
* Hình thành hệ sinh thái môi trường sống, có các cơ chế, chính sách vượt trội
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Lãnh đạo Chính phủ, trên cơ sở nội dung Đề án về thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam được Bộ Chính trị phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan, địa phương và các đối tác liên quan triển khai một số nhiệm vụ.
Trong đó, trình Lãnh đạo Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
Bộ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo ý kiến chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước có kinh nghiệm tư vấn phát triển trung tâm tài chính (Viện Tony Blair, TheCityUK...) để kết nối các tổ chức, nhà đầu tư tiềm năng chuẩn bị triển khai các nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu. Ảnh: TTXVN
Theo kế hoạch dự kiến, Trung tâm tài chính quốc tế sẽ được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực được thành lập tại Đà Nẵng.
Trung tâm tài chính khu vực được thành lập tại Đà Nẵng. Ảnh minh họa: TTXVN
*"Cú hích" cho nền kinh tế
Nhấn mạnh việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, là một trong những quyết sách chính trị lớn để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tạo ra cơ chế, nguồn lực mới, là "cú hích" mạnh đối với nền kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình lưu ý, tinh thần phải làm việc hết sức khẩn trương, quyết liệt, thực chất, hiệu quả. "Phải thực hiện nghiêm Kết luận của Bộ Chính trị, đây là trách nhiệm và bổn phận; phải rất nhanh chóng, quyết liệt, khẩn trương, không cầu toàn nhưng phải chín chắn nhất có thể".
Hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam với hệ thống các dự thảo văn bản được chuẩn bị công phu, chu đáo, chất lượng, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương tham dự cuộc họp đã phát biểu, thể hiện rõ chính kiến, trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ quan trọng của đất nước; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện Kế hoạch và các văn bản liên quan.
Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về trung tâm tài chính để chỉ đạo định hướng, chiến lược, điều phối bảo đảm vận hành thông suốt, nhất quán theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, đặc biệt là giai đoạn xây dựng cơ chế, chính sách; nhất trí với đề xuất thành lập Tổ công tác xây dựng trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để lãnh đạo, chỉ đạo việc thành lập và vận hành trung tâm tài chính.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu. Ảnh: TTXVN
Cho rằng việc xây dựng cơ chế, chính sách là đặc biệt quan trọng, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về trung tâm tài chính, trong đó có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính, các văn bản quy định và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính… với quan điểm "thế giới làm cái gì hay nhất, thuận tiện nhất thì cho vào".
Đồng thời, quan tâm bố trí, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển trung tâm tài chính; chuẩn bị, đào tạo nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước phục vụ cho quản lý, vận hành trung tâm tài chính.
"Làm tốt công tác chuẩn bị nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực trong nước phải có kế hoạch đào tạo cụ thể, cử đi học hỏi, thực tập. Nguồn nhân lực nước ngoài phải có cơ chế để thu hút, mời gọi; phải bảo đảm khi vào việc, chúng ta có bộ máy ngay", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Nêu 3 nhóm giải pháp về nguồn lực, Phó Thủ tướng đề cập đến bài học của Trung Quốc với 3 hệ chính sách: đào tạo, thu hút, giữ chân; nêu rõ, cách học hiệu quả nhất chính là cử đi học, cần nghiên cứu 3 nhóm này để chuẩn bị nguồn nhân lực. Nhân lực chất lượng cao không chỉ đòi hỏi lương cao, mà quan trọng hơn là đòi hỏi hệ sinh thái môi trường sống và khả năng, cơ hội cống hiến.
Phó Thủ tướng cũng nêu vai trò quan trọng của công tác truyền thông và xúc tiến kêu gọi đầu tư, tạo đồng thuận xã hội, trong các cấp, các ngành, các cơ quan về thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam trong kêu gọi, thu hút đầu tư.
Chu Thanh Vân/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-tai-viet-nam-cu-hich-cho-nen-kinh-te/357044.html