Sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông ở huyện miền núi Nam Đông (cũ) nay là huyện Phú Lộc
Nguy cơ
A Lưới là vùng đầu nguồn của 5 con sông lớn gồm: A Sáp, A Lin, Đakrông, Bồ và Tả Trạch. Đặc điểm địa hình dốc nên hầu hết các dòng sông trên địa bàn huyện đều có dòng chảy khá lớn với nhiều thác ghềnh và sông thường bị sạt lở vào mùa mưa, gây ảnh hưởng đến khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp cũng như khó khăn cho việc xây dựng công trình hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ sông Tà Rình tại các xã Trung Sơn, Hồng Kim, Quảng Nhâm, Hồng Thái, Sơn Thủy và sạt lở đất ven sông A Sáp tại các xã Hồng Thượng, Hương Phong, Lâm Đớt, vẫn thường diễn ra với quy mô lớn, nhỏ khác nhau cũng làm ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn.
Cụ thể, mùa mưa lũ năm 2024, đoạn bờ sông Tà Rình qua địa bàn thôn Ra Loóc-A Sốc, xã Hồng Bắc bị sạt lở thêm khoảng 600m, ảnh hưởng đến đất sản xuất ven bờ sông và về lâu dài còn có nguy cơ ảnh hưởng đến khu dân cư. Đặc biệt, điểm sạt lở mới là khu vực bờ sông chưa được xây dựng kè, có nguy cơ sạt lở tiếp diễn nếu không có phương án gia cố trước mùa mưa bão năm 2025.
Ông Đinh Viết Cường, Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc cho biết, liên quan đến sạt lở bờ sông Tà Rình, từ năm 2022, UBND huyện đã phê duyệt dự án đầu tư kè sông đoạn qua các xã trên chiều dài hơn 2,5km. Những đoạn đầu tư hiện nay đã phát huy tác dụng trong việc ứng phó với thiên tai, giữ ổn định bờ sông, bảo vệ đất sản xuất. Phía bờ sông đối diện chưa được đầu tư hiện đã xuất hiện sạt lở với quy mô nhỏ.
Mưa lũ năm qua cũng khiến đoạn bờ sông qua thôn Ra Loóc-A Sốc xuất hiện thêm điểm sạt lở mới. Vì vậy, người dân đã kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm khắc phục. Trên cơ sở đó, UBND huyện A Lưới đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án (QLDA) đầu tư xây dựng khu vực huyện cùng đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát để có phương án xây dựng kè ứng phó sạt lở.
Ông Hồ Văn Miên, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực huyện A Lưới thông tin, công trình kè sông Tà Rình đoạn qua các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Kim được khởi công từ năm 2022 đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, với chiều dài tuyến kè hơn 2,5km, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Kè sông sau khi hoàn thành đã phát huy tác dụng trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng của các hộ dân sinh sống dọc bờ, 20ha đất sản xuất nông nghiệp...
Tập trung cho các dự án ưu tiên đầu tư
Theo ông Hồ Văn Miên, đối với các đoạn sạt lở bờ sông Tà Rình còn lại trên địa bàn các xã Trung Sơn, Hồng Kim, A Ngo và một số điểm sạt lở khác, để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, UBND tỉnh (nay là UBND TP. Huế) đã chỉ đạo UBND huyện A Lưới nghiên cứu, lập hồ sơ thủ tục để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đối với công trình và làm cơ sở triển khai thực hiện dự án khi thành phố cân đối được nguồn lực.
Trong năm 2024, UBND tỉnh (nay là UBND TP. Huế) đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương về việc đầu tư xây dựng công trình thoát lũ, phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn. Theo đó, đoạn tuyến kè chống sạt lở bờ sông Tà Rình (A Lưới); kè sông sạt lở bờ sông Tả Trạch đoạn qua khu tái định cư thôn 6, xã Thượng Nhật; kè sông sạt lở bờ sông Tả Trạch đoạn cầu Hà An, xã Hương Phú, huyện Nam Đông (cũ); kè chống sạt lở sông Nong (Lộc Bổn), sông Bù Lu (Lộc Thủy), huyện Phú Lộc được đưa vào danh mục công trình ưu tiên đầu tư.
UBND TP. Huế yêu cầu đối với các dự án ưu tiên đầu tư trên cơ sở cân đối nguồn lực ngân sách thành phố và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai thực hiện dự án theo quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện.
Đối với các hạng mục công trình khác, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế (cũ), nay là 2 quận Thuận Hóa và Phú Xuân căn cứ tình hình thực tế, sự cần thiết, mức độ ưu tiên của từng công trình trên địa bàn do địa phương quản lý để chủ động bố trí từ ngân sách địa phương và nguồn vốn được bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để thực hiện khắc phục các công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Đối với nhiệm vụ có tính chất thường xuyên, Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh sử dụng nguồn thu từ việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và nguồn vốn do ngân sách Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ để kịp thời thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình nhằm đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các nhiệm vụ được phân bổ từ nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và nguồn vốn sự nghiệp khác phân bổ trong năm 2024 và các năm tiếp theo nhằm ưu tiên bố trí cho các công trình thủy lợi bị thiệt hại do thiên tai cần khắc phục khẩn cấp.
Bằng nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong những năm qua, thành phố đã đầu tư khoảng hơn 80km kè bờ sông, trong đó sông Hương hơn 30km; sông Bồ 26km và một số sông khác trên địa bàn.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN