Xây dựng văn hóa giao thông - người lớn phải nêu gương

Xây dựng văn hóa giao thông - người lớn phải nêu gương
2 giờ trướcBài gốc
Một chiều muộn đi làm về, trên đường Hà Huy Tập (thành phố Nam Định), đoạn Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đường phố không đông lắm. Đập vào mắt tôi là hình ảnh hai người phụ nữ dắt tay một cậu bé đang tung tăng… đi dưới lòng đường. Trên vỉa hè lát đá sạch sẽ, quang đãng, không có hàng quán, vật cản gì. Cậu bé hiếu động, lăng xăng, lúc chạy ra bên ngoài, lúc chen vào giữa hai người lớn. Đường vắng nên xe máy và ô tô đi trên đường tốc độ khá nhanh, thi thoảng một chiếc xe vụt qua, hoặc nghe tiếng còi ô tô, hai người lớn lại giật vội tay cậu bé kéo vào sát mép đường. Ba người cứ vô tư “dung dăng dung dẻ” dưới lòng đường. Những hình ảnh “vô tư” như thế thực tế lại không hiếm thấy trên đường phố?!
Thống kê tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh trong 8 tháng đầu năm nay đã cho thấy tình hình vi phạm quy định về trật tự ATGT và tai nạn liên quan đến học sinh diễn biến phức tạp. Lỗi vi phạm của học sinh chủ yếu là các lỗi về ý thức chủ quan; nguyên nhân tai nạn cũng do các lỗi chủ quan: Chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên; Điều khiển xe không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ; Đi không đúng phần đường; Chuyển hướng không đúng quy định; Đi bộ qua đường không đảm bảo an toàn...
Không phải đến nay việc tăng cường giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, ý thức chấp hành quy tắc công cộng, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa giao thông cho học sinh mới được đặt ra. Mà nhiệm vụ, giải pháp này đã được đề ra từ rất nhiều năm. Việc đưa pháp luật về trật tự ATGT vào chương trình giáo dục ở tất cả các cấp học đã được quy định và triển khai thực hiện từ lâu; đã có nhiều mô hình hoạt động do các nhà trường tổ chức, có sự phối hợp các ngành và đoàn thể: Giáo dục, Công an, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ...; các đợt cao điểm, ra quân, các hội thi… có sự tham gia trực tiếp của học sinh… Nhưng trên thực tế, hình ảnh học sinh vi phạm trật tự ATGT trên đường không hề hiếm thấy. Bản thân các em luôn đối mặt với nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của mình và người đi đường bởi những thói quen tham gia giao thông tùy tiện, vô tư vi phạm đó. Phải chăng các nội dung giáo dục ATGT quá khó để các em thực hiện hay cách làm chưa thực sự hiệu quả?
Ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Các cấp, các ngành, Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT các cấp đã chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Các ngành chức năng Công an, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo đã có các chương trình phối hợp hành động, mở đợt cao điểm để thực hiện Chỉ thị 31 nhằm đảm bảo cho học sinh được an toàn.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy việc giáo dục, phổ biến pháp luật, kiến thức về ATGT phải đi kèm với thực hành nghiêm túc; trong đó đặc biệt là việc nêu gương của người lớn, cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh trong mỗi hành vi giao thông để trẻ học tập, làm theo, rèn luyện thường xuyên trở thành thói quen thì mới đảm bảo hiệu quả. Thời gian qua chúng ta thấy có những vụ việc đau lòng như giáo viên, phụ huynh lùi xe trong sân trường, hay trước cổng trường (nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn vì đông học sinh…) gây ra tai nạn cho học sinh, thậm chí làm chết người. Hay tình trạng học sinh đi xe dàn hàng ngang trên đường, cười đùa, gây cản trở giao thông, va chạm giao thông. Có trường hợp học sinh đi bộ sang đường không đi đúng nơi sơn vạch kẻ dành cho người đi bộ, không chú ý quan sát, không biết xử lý các tình huống phát sinh thường chạy vụt qua gây nguy hiểm cho người điều khiển xe đi trên đường và cho bản thân mình. Không hiếm cha mẹ học sinh chở theo con trên xe nhưng vẫn vô tư phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ; hay là đi bộ cùng trẻ dưới lòng đường như trường hợp trên!
Ngày 9/9 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Công văn số 648/UBND-VP8 gửi các sở, ngành: Công an tỉnh, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành triển khai một loạt giải pháp cụ thể từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong nhà trường đến các biện pháp mang tính cứng rắn, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm mục tiêu quyết liệt lập lại trật tự kỷ cương giao thông công cộng, khắc phục thói quen tùy tiện trong tham gia giao thông công cộng, xây dựng cho được văn hóa giao thông.
Từ thực tiễn công tác đảm bảo trật tự ATGT, giáo dục và xây dựng văn hóa giao thông trong thời gian qua cho thấy, để đảm bảo thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, một yêu cầu cần thiết, tiên quyết là vai trò làm gương của người lớn, luôn tự giác chấp hành, kiên quyết uốn nắn, thường xuyên nhắc nhở các em thực hiện các nội dung đã được dạy, được nhắc nhở khi tham gia giao thông để trẻ em học tập, theo đúng phương châm: người lớn là tấm gương sáng cho trẻ em noi theo.
Bài và ảnh: Vân Thi
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202410/xay-dung-van-hoa-giao-thong-nguoi-lon-phai-neu-guong-fd11bd1/