Toàn cảnh Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 bị bỏ hoang tại Hà Nam. (Ảnh: SƠN BÁCH)
Người khẳng định cần, kiệm chính là những phẩm chất của người cách mạng. Trong cuốn Ðường cách mệnh (1927), khi đề cập đến tư cách của người cách mạng, Người viết “Tự mình phải cần, kiệm”.
Nhận thức rõ tác hại của thói lãng phí cũng như sự cần thiết phải thúc đẩy thực hành tiết kiệm trong toàn xã hội, Ðảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Quốc hội thông qua năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2013. Thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013.
Ðất nước đang đứng trước những thời khắc lịch sử quan trọng như Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ðây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Ðể tự tin bước vào kỷ nguyên mới, sánh vai với các cường quốc năm châu, đòi hỏi chúng ta phải có đủ thế và lực, có sức mạnh nội sinh vững vàng. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội nhằm tăng cường sức mạnh nội sinh quốc gia là yêu cầu khẩn trương, cấp thiết hiện nay. Xây dựng và thực hành văn hóa tiết kiệm, phòng chống lãng phí là một trong những giải pháp căn cơ, vừa cấp thiết, vừa lâu dài để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
Nhìn vào lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc, có thể thấy, cha ông chúng ta cũng thường xuyên nhắc nhở việc thực hành tiết kiệm: Tích tiểu thành đại; Góp gió thành bão…; phê phán thói lãng phí: Ném tiền qua cửa sổ; Thừa tiền mua pháo đốt chơi/Pháo nổ lên trời tiền vứt xuống ao… Ðối với những cư dân canh tác nông nghiệp lúa nước, khi mùa vụ thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh…, việc mất mùa, đứt bữa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, đức tính tiết kiệm, chắt chiu, “thắt lưng buộc bụng” trong cuộc sống hằng ngày càng được đề cao.
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Cùng với sự phát triển về kinh tế, thu nhập bình quân của người dân tăng lên đáng kể, sự lãng phí trong xã hội cũng gia tăng. Trước đây, khi nói về lãng phí, chúng ta hay nhắc đến và phê phán sự lãng phí về thời gian, tiền bạc và công sức. Nhưng ngày nay, biểu hiện của lãng phí đa dạng hơn nhiều. Bên cạnh sự lãng phí về tiền bạc, lãng phí về thời gian, lãng phí sức lao động còn có sự lãng phí tài nguyên, sự lãng phí về cơ hội,… Chi tiêu không cần thiết, mua sắm tràn lan hoặc quản lý tài chính, quản lý tài sản kém, dẫn đến thất thoát tiền bạc. Làm việc không có kế hoạch, trì hoãn công việc hoặc làm việc vô ích, không hiệu quả dẫn đến sự lãng phí về thời gian, về công sức. Khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên, năng lượng hoặc nguyên liệu dẫn đến ô nhiễm môi trường hoặc cạn kiệt nguồn lực. Không tận dụng tối đa các khả năng, tài năng hoặc nguồn lực có sẵn để phát triển, dẫn đến việc lãng phí cơ hội. Có những lãng phí của cá nhân nhưng đồng thời có cả những lãng phí của tập thể, của tổ chức. Dù là lãng phí thời gian, công sức hay tiền bạc, tài nguyên, cơ hội, dù là sự lãng phí của cá nhân hay tổ chức thì đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Lãng phí gây ra nhiều tác hại trước mắt và lâu dài. Lãng phí không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội và môi trường. Lãng phí gây thất thoát tiền bạc, làm suy yếu sức sản xuất xã hội, suy yếu tiềm lực tài chính của cá nhân, tổ chức, thậm chí của quốc gia. Lãng phí còn tác động tiêu cực đến niềm tin của xã hội. Lãng phí gây sự bức xúc trong dư luận xã hội. Lãng phí là một trong những tác nhân làm gia tăng sự phân tầng mức sống, gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội. Lãng phí cũng tác động tiêu cực đến môi trường sống. Việc sử dụng tài nguyên không hợp lý có thể dẫn đến cạn kiệt nguồn lực, phá hủy hệ sinh thái và tạo ra những hệ lụy lớn cho các thế hệ tương lai.
Ðối lập với lãng phí là tiết kiệm. Tiết kiệm như quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán nhằm tối ưu hóa việc sử dụng thời gian, tiền của, công sức vào thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao mức sống của người dân. Người người cùng tiết kiệm, nhà nhà cùng tiết kiệm thì sẽ tích trữ thêm được vốn cho công cuộc kiến quốc, góp phần tích cực cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Xây dựng và thực hành văn hóa tiết kiệm chính là biện pháp khắc chế hữu hiệu thói lãng phí.
Văn hóa tiết kiệm là lối sống đề cao việc sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của cá nhân và xã hội. Ðó chính là việc sử dụng hữu hiệu thời gian, sức lao động, tài chính, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác. Văn hóa tiết kiệm được hình thành trong môi trường gia đình, xã hội hoặc quốc gia. Văn hóa tiết kiệm thể hiện thái độ sống tôn trọng giá trị của tài sản, của các nguồn lực, từ đó tạo ra một xã hội phát triển bền vững hơn. Văn hóa tiết kiệm không chỉ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, kiến tạo những giá trị và chuẩn mực tích cực cho cộng đồng.
Xây dựng và thực hành văn hóa tiết kiệm, phòng, chống lãng phí là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi cá nhân, tổ chức và toàn xã hội. Ðể hình thành văn hóa thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, cần chú ý một số nội dung:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và giáo dục cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ về tầm quan trọng của tiết kiệm, phòng, chống lãng phí. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,… cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí. Tiết kiệm, phòng chống lãng phí phải trở thành một trong các giá trị, chuẩn mực của văn hóa công sở, văn hóa công vụ, văn hóa doanh nghiệp. Ðội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là những tấm gương trong thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí. Các đoàn thể chính trị-xã hội cũng nghiên cứu đưa thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí thành một trong những chuẩn mực của hội viên, đoàn viên.
Ðưa nội dung xây dựng và thực hành văn hóa tiết kiệm, phòng, chống lãng phí vào trong chương trình giáo dục quốc dân phù hợp với từng cấp học, bậc học. Nhà trường, gia đình và xã hội kết hợp để giáo dục trẻ em hình thành thói quen và ý thức tiết kiệm từ khi còn nhỏ. Trẻ em nên được giáo dục về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên, không lãng phí đồ dùng và chi tiêu hợp lý. Các trường học có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến tiết kiệm, bảo vệ môi trường, để trẻ em dần hình thành ý thức tự giác trong việc sử dụng tài nguyên. Trong mỗi gia đình, bố mẹ, ông bà cũng phải là những tấm gương trong thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm cũng cần trở thành chuẩn mực ứng xử trong mỗi gia đình.
Các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực tuyên truyền, lan tỏa văn hóa tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội. Mạnh mẽ phê phán những hành vi, những biểu hiện lãng phí, đồng thời giới thiệu, biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt trong thực hành văn hóa tiết kiệm. Ða dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, tận dụng công nghệ truyền thông mới để việc đưa tin, bài về tiết kiệm, phòng, chống lãng phí không chỉ kịp thời, chính xác mà còn sinh động, hấp dẫn công chúng.
Thứ hai là xây dựng môi trường xã hội khuyến khích lối sống tiết kiệm. Các giá trị, chuẩn mực được hình thành, duy trì và củng cố trong môi trường xã hội. Những giá trị, chuẩn mực đó sẽ dẫn dắt, điều chỉnh hành vi của cá nhân và cộng đồng. Sống trong một môi trường xã hội tôn vinh giá trị tiết kiệm, khuyến khích tái sử dụng và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý sẽ là cơ sở để hình thành, rèn giũa thói quen, hình thành ý thức tự giác của mỗi người trong tư duy và hành động hướng tới các giá trị đó. Các chiến dịch truyền thông rộng rãi trong cộng đồng về việc sử dụng tài nguyên tiết kiệm, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể trong xã hội sẽ giúp củng cố thói quen này. Các cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nên thiết lập các quy tắc rõ ràng để khuyến khích các thành viên của mình thực hành tiết kiệm trong sử dụng thời gian, tài sản công, tài nguyên, năng lượng…
Thứ ba, công khai những lợi ích thiết thực của việc tiết kiệm. Mỗi người sẽ dễ dàng tự giác thực hành tiết kiệm hơn khi họ thấy rõ lợi ích trực tiếp của hành động đó. Cần nghiên cứu lượng hóa những lợi ích của việc tiết kiệm và công bố công khai. Một cơ quan, đơn vị, một doanh nghiệp khi đẩy mạnh thực hành tiết kiệm sẽ mang lại lợi ích cụ thể nào cho tổ chức, cho các thành viên trong tổ chức. Tương tự, mỗi cá nhân khi thực hành tiết kiệm trong đời sống hằng ngày sẽ mang lại lợi ích gì cho chính cá nhân đó và cho cả cộng đồng. Bằng cách công khai những kết quả tích cực này, người dân sẽ có động lực để duy trì thói quen tiết kiệm.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quản lý và tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển. Công nghệ có thể giúp cá nhân và tổ chức theo dõi, kiểm soát việc sử dụng thời gian, công sức, tài sản, năng lượng,… từ đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn sự lãng phí. Bên cạnh đó, công nghệ còn giúp tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, giảm thiểu tình trạng thừa thãi hoặc lãng phí trong quá trình vận hành và lưu thông hàng hóa. Công nghệ không chỉ giúp nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực cho phát triển mà còn giảm thiểu và phòng, chống lãng phí.
Ðể khơi thông các nguồn lực, tối ưu hóa các nguồn lực phục vụ cho sự vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới như nội dung những thông điệp sâu sắc của Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội khẩn trương và quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, trong đó có thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí. Khi thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí đã trở thành văn hóa, nghĩa là nó đã trở thành chuẩn mực ứng xử, là nếp sống hằng ngày của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức. Ðó cũng chính là quá trình chúng ta phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
PGS, TS VŨ THỊ PHƯƠNG HẬU