Phim Cám nối dài thành công “vũ trụ kinh dị” đầu tiên của điện ảnh Việt. Ảnh: ĐPCC
Góc nhìn mới về tín ngưỡng dân gian
Tại buổi giới thiệu bộ phim Linh miêu: Quỷ nhập tràng, nhà sản xuất (NSX) - đạo diễn Võ Thanh Hòa khiến khách mời bất ngờ và thích thú khi công bố chuỗi dự án nằm trong “vũ trụ linh dị dân gian”. Theo đó, từ nay đến năm 2030 “vũ trụ” này sẽ có tổng cộng 14 dự án phim tương ứng với các con vật “truyền thuyết”: heo năm móng, thần trùng, ngư tinh, thuồng luồng, trăn đầu người, xà niêng, chuột ngũ sắc, hổ tinh, ngư tinh… Các dự án được hứa hẹn không chỉ đa dạng trong nội dung, còn mở ra những góc nhìn mới về tín ngưỡng dân gian, câu chuyện kỳ bí lâu đời, đồng thời góp phần giữ gìn và tôn vinh các giá trị truyền thống qua ngôn ngữ điện ảnh. “Tôi thấy mình có nhiều chất liệu và điều kiện để bắt tay vào sản xuất loạt phim kinh dị này”, Võ Thanh Hòa chia sẻ.
Cùng lúc, hai “vũ trụ điện ảnh kinh dị” khác cũng được giới thiệu. Nhà sản xuất AMF tiết lộ kế hoạch xây dựng “vũ trụ kinh dị” được lấy cảm hứng từ ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Tác phẩm mở đầu cho “vũ trụ” này là Ma da, vừa ra mắt vào trung tuần tháng 8 với doanh thu hơn 127 tỷ đồng - là phim kinh dị thuần Việt có doanh thu cao nhất tính đến nay. Trong khi đó, đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân, những người được xem mở ra “vũ trụ điện ảnh kinh dị” Việt sau thành công của những Kẻ ăn hồn, Tết ở làng địa ngục, Chuyện ma gần nhà, Bắc kim thang…, đã ghi dấu ấn với Cám, phim đầu tiên trong “vũ trụ” này vượt mốc doanh thu trăm tỷ đồng.
“Tôi tin rằng để xây dựng một “vũ trụ điện ảnh” thành công, yếu tố cốt lõi phải là cốt truyện và nhân vật. Những câu chuyện cần có chiều sâu văn hóa, kết nối được với bản sắc của người Việt, đồng thời nhân vật phải đủ sức nặng để khơi gợi sự đồng cảm từ khán giả. Đây không chỉ đơn giản là mở rộng không gian hay thời gian của một câu chuyện, mà là tạo ra những mối liên kết có ý nghĩa giữa các tác phẩm trong vũ trụ ấy”, nhà sản xuất Hoàng Quân nhận định.
Tìm cơ hội trong thách thức
Việc xây dựng “vũ trụ điện ảnh” với hệ sinh thái phong phú, không chỉ gói gọn trong một tác phẩm, là điều các nền điện ảnh lớn trên thế giới đã và đang thực hiện rất thành công. Cả NSX Nhất Trung và Hoàng Quân đều nhận định, đây là tín hiệu đáng mừng và cần thiết cho sự phát triển của điện ảnh Việt nói riêng và ngành công nghiệp giải trí nói chung. “Xu hướng này giúp các NSX tạo ra những thương hiệu có sức sống bền vững hơn, từ đó nâng cao và kéo dài sự gắn kết với của khán giả”, NSX Hoàng Quân khẳng định.
Phim Cám nối dài thành công “vũ trụ kinh dị” đầu tiên của điện ảnh Việt. Ảnh: ĐPCC
Tuy nhiên, theo đạo diễn Võ Thanh Hòa: “Có rất nhiều câu hỏi, sự nghi ngờ của mọi người dành cho chúng tôi khi quyết tâm theo đuổi vũ trụ kinh dị dân gian này, vì đây là một ngách nhỏ và đầy khó khăn trong thị trường làm phim”. Thực tế, mỗi phần phim trong một “vũ trụ điện ảnh” luôn đòi hỏi phần sau phải có những mới mẻ, hay đột phá hơn phần trước nhưng vẫn đảm bảo sự kết nối chặt chẽ, thống nhất nên khó khăn càng nhân lên. Nó có thể là những thách thức về vấn đề kinh phí, thời gian và kinh nghiệm triển khai, hay cả bài toán nguồn nhân lực. Thậm chí, nói như NSX Hồ Xuân Phú, ngay cả việc được đầu tư kinh phí lớn hơn (trường hợp Linh miêu so với Quỷ cẩu) việc đặt để bất cứ vấn đề gì cũng cần sự cân nhắc kỹ càng hơn rất nhiều.
Mặc dù mới manh nha ở thị trường điện ảnh Việt, song có thể thấy các “vũ trụ điện ảnh” đã có những tác động hai chiều khá rõ rệt. NSX Hoàng Quân phân tích, ở khía cạnh tích cực, nó tạo nên một thị trường phong phú, thúc đẩy sự phát triển bền vững và kích thích tính sáng tạo của toàn ngành. Khán giả có thêm nhiều trải nghiệm thú vị ngoài rạp phim, và điều này chắc chắn nâng cao tính giải trí của điện ảnh Việt.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sự thành công hay thất bại của một phần trong “vũ trụ điện ảnh” nào đó cũng có thể ảnh hưởng đến tổng thể chung, nhất là khi nguồn vốn đầu tư vào điện ảnh còn hạn hẹp. “Nếu tác phẩm không thu hút được khán giả, họ cũng sẽ không quan tâm đến các phần khác. Vì thế, chỉ cần thua một dự án là sụp đổ cả vũ trụ theo sau”, NSX Hoàng Quân bày tỏ. Điện ảnh Việt từng có một bài học thấm thía liên quan đến thất bại của Trạng Tí phiêu lưu ký (năm 2021). Kể từ đó đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về dự án tiếp theo trong “vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam” được triển khai.
Thực tế chứng minh, dù là xu hướng tất yếu của một thị trường điện ảnh phát triển, việc xây dựng một “vũ trụ điện ảnh” chưa bao giờ dễ dàng. Duy trì nó còn khó khăn gấp bội, đặc biệt khi điện ảnh Việt chưa đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, còn nhiều trồi sụt cả về chất lượng cũng như doanh thu. Tuy nhiên, NSX Nhất Trung vẫn lạc quan: Có cầu ắt có cung. Cung quá nhiều sẽ bão hòa và khi đó thị trường sẽ lọc lại những NSX thật sự nghiêm túc, những bộ phim chắt lọc, có giá trị hơn, hay hơn.
Không chỉ có kinh dị, điện ảnh Việt còn có nhiều “vũ trụ điện ảnh” khác như Gái già lắm chiêu với 4 phần phim đã ra mắt khá thành công, thu về hơn 300 tỷ đồng. Cuối năm 2022, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng giới thiệu bộ ba phim điện ảnh Đại chiến Bạch Đằng giang nằm trong dự án “Vũ trụ lịch sử đa phương tiện Triều Trần” do anh chịu trách nhiệm sáng tạo chính. Trước đó, từ năm 2017, diễn viên Ngô Thanh Vân đã có quyết định đầy tham vọng khi xây dựng “vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam” với tác phẩm mở màn là Trạng Tí phiêu lưu ký cùng các dự án được lên kế hoạch: Thánh Gióng, Thằng Bờm, Thạch Sanh, Sơn Tinh Thủy Tinh, Ông KẹThánh Gióng, Thằng Bờm, Thạch Sanh, Sơn Tinh Thủy Tinh, Ông Kẹ… Một số dự án cũng được gắn mác “vũ trụ điện ảnh” có thể kể đến: “vũ trụ mỹ nhân” của đạo diễn Bảo Nhân - Namcito, “vũ trụ chị chị em em” của NSX Will Vũ...
HẢI DUY