Những năm qua, bằng nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, Trung đoàn 726 đã góp phần xây dựng huyện Tuy Đức từng bước giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh.
Niềm vui được mùa cà phê của cán bộ, công nhân, người lao động Trung đoàn 726.
Trước đây, khi rờiquê hương xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức làm công nhân cho Đội sản xuất số 4 (Trung đoàn 726, Binh đoàn 16), chị Cao Thị Trung không bao giờ dám nghĩ cuộc sống của mình lại thay đổi nhiều như vậy. Từ hai bàn tay trắng giờ gia đình chị có thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng nhờ vườn cây nhận khoán của đơn vị và mô hình kinh tế đa canh, vườn ao chuồng. Chị Cao Thị Trung cho biết, kết quả đó có sự hỗ trợ rất lớn của Trung đoàn 726. Bên cạnh được nhận vào làm công nhân, chị Trung còn được Trung đoàn 726 hỗ trợ cây giống, con giống, hướng kỹ thuật để phát triển mô hình kinh tế đa canh, mang lại thu nhập cao.
Cũng được Trung đoàn 726 hỗ trợ, chị Mạc Thị Như Hoa, công nhân Đội sản xuất số 4, Trung đoàn 726 đã phát triển mô hình vườn cây xen canh cà phê, tiêu, sầu riêng, mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhất là được sự hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” của cán bộ kỹ thuật Trung đoàn 726, chị Hoa đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như: Làm phân bón sinh học, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước… “Với giá các sản phẩm mắc ca, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng như hiện nay. Năm 2024, gia đình tôi có thể thu khoảng 3 tỷ đồng”, chị Hoa phấn khởi nói.
Cán bộ Trung đoàn 726 trao đổi kỹ thuật bảo quản cà phê với công nhân, người lao động.
Trung đoàn 726 đứng chân trên địa bàn biên huyện Tuy Đức, có đường biên giới dài 49km, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Ngày trước, đây là địa bàn hẻo lánh, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, khí hậu khắc nghiệt và được nhiều người ví là “vùng đất khó, đất khổ”. Tuy Đức cũng có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như: Khmer, Mường, Tày… đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Với quan điểm “lo cho dân như lo cho mình”, trong những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 726 đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả, biến vùng đất biên cương xa xôi thành khu kinh tế - quốc phòng trù phú. Người dân không chỉ có thu nhập cao, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được nâng lên mà tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, an ninh chính trị, an ninh biên giới được giữ vững.
Lãnh đạo Trung đoàn 726 thăm gia đình chị Cao Thị Trung.
Trung đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động gần 600 hộ dân tham gia vùng dự án, sắp xếp, ổn định 5 cụm điểm dân cư, gắn với 5 đội sản xuất. Cùng với đó là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các mô hình phát triển, các chương trình an sinh xã hội, giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chỉ tính từ năm 2023 đến nay, Trung đoàn 726 đã hỗ trợ 158 con bò giống, 35 con trâu cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ kinh phí xây dựng 5 “Nhà đồng đội”, 3 "Nhà đại đoàn kết", 3 "Nhà mái ấm công đoàn" tặng các hộ gia đình cán bộ, nhân viên, người lao động và nhân dân trên địa bàn...
Đặc biệt, theo đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Huệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 726, hiện nay, đơn vị đang chủ trương động viên, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến sâu, hình thành chuỗi giá trị để mang lại hiệu quả cao như: Sản xuất cà phê theo hướng 4C (tiêu chuẩn xuất khẩu các nước trên thế giới); sản xuất cà phê hữu cơ, cà phê chất lượng cao… hứa hẹn sẽ góp phần xây dựng huyện Tuy Đức giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh.
Bài và ảnh: SƠN TÙNG