Đảm bảo nguồn cung ổn định
Ớt xiêm rừng Sơn Hà được chế biến thành các sản phẩm như ớt xiêm rừng ngâm giấm, muối ớt xiêm, nước chấm ớt xiêm. Từ năm 2017, những sản phẩm này đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh đặc sản trong và ngoài tỉnh. Ban đầu, ớt xiêm chủ yếu được thu hái ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, để có nguồn nguyên liệu đảm bảo các đơn hàng đã ký với các siêu thị, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Sơn Hà đã liên kết với các hộ dân ở các xã trên địa bàn huyện để trồng ớt xiêm.
Trong quá trình thử nghiệm, HTX đã phát hiện ra vùng đất ở xã Sơn Trung phù hợp với cây ớt xiêm nên đã liên kết với 14 hộ dân nơi đây phát triển vùng nguyên liệu, với diện tích gần 5ha; trong đó, có 4,5ha trồng phân tán và khoảng 7 sào trồng chuyên canh.
Người dân thôn Gò Rộc, xã Sơn Trung (Sơn Hà), thu hoạch ớt xiêm.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà Phạm Đình Nghĩa, ớt xiêm dễ trồng, chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không sử dụng phân thuốc nên sản phẩm sạch, đạt chất lượng cao. Tùy theo mùa mà giá ớt xiêm được thu mua với giá khác nhau. Cụ thể, mùa nắng, HTX thu mua ớt với giá 120 nghìn đồng/kg, còn vào mùa mưa có giá 150 - 160 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi năm, vùng nguyên liệu này cung cấp cho HTX khoảng 1,4 tấn ớt xiêm. Ngoài ra, người dân còn bán lẻ ra ngoài thị trường. Cây ớt xiêm đã đem lại nguồn thu nhập khá cho 14 hộ dân ở xã Sơn Trung.
Sản phẩm chuối hột rừng sấy khô của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy (Sơn Hà).
Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Sơn Hà đã hỗ trợ các HTX trên địa bàn xây dựng vùng nguyên liệu chuối và vùng nguyên liệu đậu phụng. Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy Đinh Văn Trun cho biết, hiện HTX có sản phẩm chuối hột sấy khô đã được công nhận sản phẩm OCOP. Vì vậy, HTX đã liên kết với các hộ dân phát triển vùng nguyên liệu hơn 2ha. Bên cạnh sản phẩm chuối sấy khô nguyên quả, HTX còn có sản phẩm hột chuối rừng sấy khô. Với hột chuối rừng, khách hàng có thể ngâm rượu để uống hoặc làm giống.
Hiện tại, hàng chục hộ dân ở xã Sơn Linh (Sơn Hà) đang làm đất để xuống giống đậu phụng vụ đông xuân. Huyện Sơn Hà đã quy hoạch vùng sản xuất đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Sơn Linh, với diện tích 21ha. Anh Đinh Văn Trái, ở thôn Bồ Nung, xã Sơn Linh bày tỏ, tôi có 4 sào đất nằm trong vùng quy hoạch trồng đậu phụng. Từ ngày tham gia trồng đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất tăng lên, chất lượng dầu ép cũng đạt hơn. Sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu đầu ra nên rất thuận lợi.
Liên kết theo chuỗi giá trị
Trước đây, anh Tạ Đình Khương, chủ hộ kinh doanh Khương Đình, ở thôn Làng Rin, xã Sơn Trung chỉ tập trung chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm heo ky Khương Đình của anh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được Siêu thị GO! Quảng Ngãi ký hợp đồng thu mua, anh Khương đã liên kết với 5 hộ nuôi heo ky tại địa phương để chủ động nguồn cung.
Anh Tạ Đình Khương, ở xã Sơn Trung (Sơn Hà), liên kết với các hộ dân để nuôi heo ky, đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường.
Anh Khương chia sẻ, tôi đang nuôi 20 con heo nái, trung bình mỗi năm, số heo nái này đẻ 2 lứa khoảng 400 - 500 heo con. Toàn bộ số heo con này tôi sẽ bán giống cho 5 hộ cùng liên kết nuôi. Sau khi heo thịt đạt trọng lượng từ 20 - 30kg/con, tôi sẽ thu mua toàn bộ số heo ky này để bán cho siêu thị và khách hàng có nhu cầu. Toàn bộ quy trình nuôi được thực hiện “khép kín” nên đảm bảo chất lượng, hạn chế dịch bệnh. Hiện heo ky đang có giá 120 nghìn đồng/kg hơi; còn sản phẩm sau khi làm sạch được bán cho siêu thị với giá 235 nghìn đồng/kg.
“Việc liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị đã giúp tôi chủ động được nguồn cung. Tuần nào tôi cũng có heo để bán ra thị trường. Nếu sau này, đơn đặt hàng của siêu thị có tăng lên, thì tôi vẫn đảm bảo đủ lượng thịt heo để cung cấp”, anh Khương nói.
Đến nay, huyện Sơn Hà có 9 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao; trong đó, có 6 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, 3 sản phẩm hết hiệu lực. Các đơn vị, cá nhân tham gia Chương trình OCOPđều mong muốn sản phẩm làm ra được gắn sao OCOP để nâng tầm, khẳng định thương hiệu và chinh phục người tiêu dùng. Do vậy, khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn; thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn. Đặc biệt, các chủ thể đã xây dựng được chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm, tạo thành vùng hàng hóa sản xuất tập trung, quy mô lớn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
"Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP cần nâng cao năng lực tài chính, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, chủ động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để có thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm đặc trưng tới người tiêu dùng".
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà
PHAN ANH QUANG
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Hà Đinh Văn Chi cho biết, để các sản phẩm ngày càng nâng cao giá trị, phòng tham mưu cho huyện hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, động viên các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, kêu gọi các nhà đầu tư, nhà phân phối để cùng các chủ thể đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, khuyến khích người dân ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, các quy trình sản xuất công nghệ tiên tiến như ISO, HACCP, VietGAP, hữu cơ; xây dựng mã số vùng trồng tạo thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Từ đó, nâng hạng sao sản phẩm OCOP, tạo chỗ đứng bền vững trên thị trường.
"Việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp chủ thể sản xuất kiểm soát được chất lượng nguyên liệu; chủ động được thời gian sản xuất, số lượng và chất lượng của sản phẩm. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân cũng như doanh nghiệp. Đồng thời, bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm, góp phần đầu tư có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh", Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phan Anh Quang nhấn mạnh.
Bài, ảnh: HỒNG HOA