Trong đó, chủ lực là vú sữa tím Tứ Quý (đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Mỹ). Ông Trần Anh Nhân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao và Du lịch cộng đồng Mỹ Phước, chia sẻ một số kinh nghiệm về việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch.
Theo ông Nhân, để xây dựng được vùng nguyên liệu an toàn, điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy canh tác của nông dân. Thời gian đầu triển khai mô hình sử dụng phân hữu cơ, thuốc vi sinh, ông chủ động áp dụng trên chính vườn cây của mình để người dân thấy rõ hiệu quả thực tế từ "người thật, việc thật". Nhiều người thấy canh tác hướng hữu cơ hiệu quả, chi phí thấp nên dần dần chủ động tham gia, HTX tiến hành nhân rộng mô hình và hướng dẫn kỹ thuật canh tác an toàn cho các xã viên.
Ông Trần Anh Nhân đã phát triển thành công vùng sản xuất nông sản an toàn quy mô hơn 100 ha tại tỉnh Sóc Trăng
Một trong những kinh nghiệm quan trọng là phải có quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. HTX đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng tổ chức các buổi tập huấn, giúp xã viên hiểu rõ quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc cấm, không xịt cỏ, phải thực hiện bao trái... HTX lấy mẫu sản phẩm kiểm tra dư lượng một cách ngẫu nhiên, nếu phát hiện vườn nào vi phạm thì sẽ ngừng thu mua trong vòng một năm; sau 1 năm nếu đánh giá lại đạt tiêu chuẩn mới tiếp tục thu mua.
HTX sở hữu vườn cây đầu dòng, có bảo hộ độc quyền và trực tiếp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân, bảo đảm đầu ra ổn định và lợi nhuận cao cho bà con. "Trung bình, mỗi ký vú sữa người dân thu về lợi nhuận hơn 20.000 đồng, mỗi hecta có thể thu hoạch 35 - 40 tấn, đủ để bà con yên tâm canh tác sạch" - ông Nhân khẳng định.
Từ kinh nghiệm của mình, ông Nhân cho rằng muốn phát triển vùng nguyên liệu an toàn, bền vững thì trước hết phải tạo niềm tin cho nông dân từ hiệu quả thực tế; tổ chức sản xuất có kỷ luật, có kiểm soát và luôn đồng hành với họ. Quá trình này cần có sự đồng hành của chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương. Chẳng hạn, chính quyền tỉnh Sóc Trăng có chương trình hỗ trợ nông dân để phát triển vùng trồng, hỗ trợ về cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật canh tác…
Bài và ảnh: Thanh Nhân