Xây dựng xã hội học tập gắn với an sinh xã hội

Xây dựng xã hội học tập gắn với an sinh xã hội
2 giờ trướcBài gốc
Hội Khuyến học tỉnh tuyên dương, trao thưởng cho học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập năm học 2023-2024.
Huyện miền núi Như Thanh hiện có 17.051/21.868 gia đình đăng ký gia đình học tập, đạt 77,9%; tổng số dòng họ đăng ký dòng họ học tập là 240/305 dòng họ, đạt 79,4%; tổng số cộng đồng (thôn, bản, tổ dân phố) đăng ký cộng đồng học tập là 161/161 cộng đồng, đạt 100%. Thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập đã làm thay đổi nhận thức của các tầng lớp Nhân dân trong huyện về việc học tập suốt đời, việc học đã trở thành nhu cầu tự thân, góp phần phát triển kinh tế, thay đổi về bản chất học tập của mọi cá nhân trong xã hội.
Ông Cù Ngọc Bình, Chủ tịch Hội khuyến học (HKH) huyện Như Thanh, cho biết: Những hoạt động của đội ngũ cán bộ hội đã góp phần quan trọng khẳng định được vị thế xã hội của công tác HKH, thúc đẩy phong trào KHKT, xây dựng XHHT phát triển theo chiều sâu, bề rộng, được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân trong huyện tin tưởng và đồng tình hưởng ứng. Các hội cơ sở thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các nhà trường vận động các cháu trong độ tuổi ra các lớp đầu cấp đạt tỷ lệ 100%; hàng năm vận động được 90% học sinh bỏ học trở lại lớp; 80% trẻ khuyết tật ra lớp...; số học sinh đi học các trường nghề ngày một nhiều hơn; số học sinh vào đại học đã có sự định hướng, lựa chọn, cân nhắc ngành học theo nhu cầu xã hội...
Để kịp tạo nguồn lực cho hoạt động KHKT tại địa phương, các cấp HKH huyện Như Thanh đã đẩy mạnh vận động Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất nhà trường, xây dựng quỹ hội các cấp, kịp thời động viên khen thưởng giáo viên, học sinh dạy tốt, học tốt, các tấm gương điển hình trong phong trào KHKT, xây dựng XHHT... Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2024, các cấp HKH Như Thanh đã trao thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích cao, trao học bổng cho học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập với tổng số tiền gần 313 triệu đồng.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh phong trào thi đua xây dựng XHHT, học tập suốt đời đã được đẩy mạnh, các mô hình học tập được nhân rộng, phát huy hiệu quả trong thực tiễn, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh hiện có hơn 926.551 gia đình đăng ký gia đình học tập, đạt tỷ lệ 96,85%; có 10.335/11.149 dòng họ đăng ký dòng họ học tập; 4.393/4.393 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng cộng đồng học tập...
Chủ tịch HKH tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt, cho biết: Trải qua các giai đoạn triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập", đến nay giáo dục nước ta, tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, như: Hình thành hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất từ giáo dục mầm non đến đào tạo sau đại học; mở rộng mạng lưới, quy mô giáo dục khắp các vùng, miền; sự đa dạng hóa các loại hình trường, lớp và phương thức cung ứng, kết nối giữa các trình độ đào tạo được cải thiện; công bằng xã hội trong giáo dục có nhiều tiến bộ; các phong trào thi đua trong giáo dục - đào tạo, KHKT từng bước đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
Ở tỉnh ta, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên vượt bậc (từ thứ 42 năm 2020 lên thứ 18/63 tỉnh, thành về điểm thi trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024); chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì, giữ vững trong tốp đầu (đứng thứ 6/63 tỉnh, thành)... Phong trào KHKT, học tập suốt đời và xây dựng XHHT đã và đang diễn ra ngày càng sâu rộng trên địa bàn cả nước; môi trường giáo dục ngày càng lành mạnh trên cơ sở gắn kết và phát huy vai trò của gia đình - nhà trường - cộng đồng xã hội... Những kết quả đó, đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển toàn diện của mỗi địa phương trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong xây dựng XHHT ở tỉnh ta, đó là: Nhận thức về công tác KHKT và xây dựng XHHT ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang chưa đúng mức; tầm quan trọng và lợi ích của tự học, học thường xuyên, học tập suốt đời nhằm phát triển kỹ năng, nâng cao năng lực nghề nghiệp, tự tạo việc làm, hoàn thiện cá nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho tổ chức, doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển bền vững... chưa được nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ.
Thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội quý báu cho tất cả mọi người học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời để nâng cao tri thức toàn diện, nhằm thích nghi, bắt kịp, bước cùng với những thay đổi của cuộc sống, “đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, lao động hăng say, sáng tạo trong điều kiện kinh tế số hiện nay” theo Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X. Trong hành trình đó, vấn đề đặt ra là cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về sự cần thiết, tác động, lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng XHHT. Tất yếu phải xây dựng XHHT, thúc đẩy học tập suốt đời với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, khả thi, đáp ứng sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cộng đồng, đơn vị, địa phương và toàn xã hội, góp phần xây dựng và phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước.
Bài và ảnh: Linh Hương
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-gan-voi-an-sinh-xa-hoi-229013.htm