Xây tổ ấm cho người thu nhập thấp

Xây tổ ấm cho người thu nhập thấp
8 giờ trướcBài gốc
Ông Lê Hữu Nghĩa.
1. Năm 2003, Luật Đất đai ra đời, thì BĐS vẫn là “phân lô” rồi người mua tự xây, còn chung cư tuyệt nhiên chưa có. DN đầu tiên xây chung cư tại TPHCM để bán ra thị trường là Phú Mỹ Hưng với độ cao 5 tầng.
Sau đó UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo các dự án nhà phố, biệt thự, phân lô bán nền phải dành 20% quỹ đất làm chung cư. Trước quy định trên, cộng đồng DN phản ứng cho rằng làm chung cư không ai ở, vì đất đai lúc này còn nhiều, việc gì phải xây chung cư.
Bắt đầu những năm 2000, Công ty TNHH Lê Thành do ông Lê Hữu Nghĩa làm giám đốc, đã tham gia đầu tư dự án nhà ở, và ngay từ đầu xác định rõ chỉ làm chung cư cho người thu nhập thấp. Lúc đó nhiều người hỏi ông sao lại có “lối đi khác”? Và ông chia sẻ: Lúc học ở Đại học Bách khoa TPHCM, có thời gian ở trọ cùng bạn học, còn gia đình ông thời đó cũng đã mấy chục phòng trọ cho người lao động thu nhập thấp thuê, nhất là những người trẻ từ các tỉnh lên thành phố làm việc.
Tâm sự với họ nên hiểu nhiều về cuộc sống của họ, nhất là “giấc mơ” về một căn nhà ở thành phố để “an cư lạc nghiệp”. Đây có thể là một cuộc “điều tra xã hội học” về nhu cầu, tâm lý, khát vọng… của người lao động thu nhập thấp về ngôi nhà.
Vào thời điểm đó, tại TPHCM nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư xây dựng nhà máy, thu hút một lượng lớn người lao động từ các tỉnh đến làm việc, rồi nhiều bạn sinh viên ra trường cũng quyết định ở lại thành phố làm việc. Do đó nhu cầu chỗ ở cho họ rất cao, trong khi DN kinh doanh BĐS thì chưa để mắt đến phân khúc này.
“Tôi đã nhìn thấy và quyết định đầu tư vào phân khúc khách hàng này. Bản thân tôi là kỹ sư xây dựng, nên có thể nghiên cứu xây dựng những căn hộ tiết giảm chi phí nhất” - ông Nghĩa tâm sự.
2.Dự án chung cư giá rẻ mà Lê Thành hướng đến người thu nhập thấp được xây dựng năm 2007, đó là chung cư Lê Thành khu A trên đường An Dương Vương (Bình Tân), có quy mô 530 căn, diện tích 60-70m2, 2 phòng ngủ. Lê Hữu Nghĩa nhớ lại, khi DN nộp hồ sơ xin đầu tư chung cư, lãnh đạo TPHCM tỏ ra rất ngạc nhiên, bởi lẽ đây là DN đầu tiên xin xây 100% chung cư, chứ không phải 20% và phần đất còn lại “phân lô” như nhiều doanh nghiệp khác.
Ngạc nhiên hơn nữa là dự án hướng đến người lao động ít tiền. Có lẽ nhờ vậy mà hồ sơ chỉ một thời gian rất ngắn đã được lãnh đạo thành phố duyệt ngay.
Khi bắt đầu ý tưởng và đến khi chính thức bắt tay vào triển khai dự án, ông Lê Hữu Nghĩa không nhận được sự đồng tình của những cộng sự thân cận bên mình. Bên ngoài thì bảo “cha này khùng”.
Ông Nghĩa cho biết, mặc dù trước khi quyết định đầu tư vào phân khúc này đã nghiên cứu, khảo sát rất kỹ, nhưng vẫn rất khó đoán định sự đón nhận của thị trường như thế nào. Bên cạnh đó bản thân người chưa có nhà cũng ngại ở chung cư, thói quen vẫn cứ muốn ở “dưới thấp”, mặc dù là mua đất giấy tờ tay, xây nhà trái phép vẫn thích hơn ở nhà chung cư có giấy tờ đàng hoàng.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Xây xong có ai mua không? Nguồn tiền ở đâu xây? Người lao động thu nhập thấp lấy tiền đâu mua? Tuy nhiên đã quyết là làm. Block đầu tiên công ty liên kết với ACB.
Lúc đó ngân hàng cần một số lượng nhà ở để hỗ trợ chỗ ở cho cán bộ, nhân viên có thâm niên làm việc, cống hiến tốt cho ACB. Khi bắt đầu đàm phán họ thấy giá cả hợp lý, nên quyết định “bao tiêu” nhưng cũng không khỏi băn khoăn.
Sau này dự án thành công, một lãnh đạo ACB mới tâm sự: “Lúc ký hợp đồng hồi hộp quá, không biết với giá bán này có nhà để bàn giao không, vì giá thấp sợ DN làm không nổi”. Sau thành công của block đầu tiên, không chỉ ACB mà Lê Thành còn mở rộng ra với nhiều ngân hàng khác để liên kết phát triển dự án. Ngân hàng tin tưởng cho DN vay để xây nhà, tin tưởng cho khách vay mua nhà.
3. Theo ông Nghĩa, hiện nay phần lớn DN không làm phân khúc này, vì lợi nhuận không đủ. Sở dĩ Lê Thành làm được vì công ty chỉ 1 mình ông là cổ đông, nên biết “đủ là đủ”. Nhưng với các DN cổ phần, giả sử họ yêu cầu lợi nhuận mỗi năm 20%, dự án nhanh nhất cũng mất 5 năm, tức trong 5 năm ấy mức lợi nhuận phải đạt 100%. Trong khi đó nhà xã hội khống chế mức lợi nhuận chỉ 10%.
Đến nay Công ty TNHH Lê Thành đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều dự án với khoảng 7.000 căn hộ. Nhiều người mua nhà của Lê Thành chia sẻ, nếu không có chính sách bán nhà như Lê Thành họ khó có thể sở hữu một chỗ ở lâu dài được.
Mỗi căn hộ họ trả 100-200 triệu đồng, sau đó trả góp mỗi tháng 6 triệu đồng. Trong vòng 3 năm người mua sẽ trả đủ và sử dụng căn nhà ấy trong vòng 50 năm đúng với tuổi thọ công trình.
“Nhiều năm rồi, cứ ngày Tết, tôi hay đi một vòng các dự án, nhìn nhiều gia đình sum họp vui vầy trong chính căn nhà của họ, như tiếp thêm động lực để triển khai những dự án mới”- ông Lê Hữu Nghĩa tâm sự.
ĐỖ TRÀ GIANG
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/xay-to-am-cho-nguoi-thu-nhap-thap-post119830.html