Xây trường mầm non tại các khu công nghiệp: Cần thêm chính sách hỗ trợ

Xây trường mầm non tại các khu công nghiệp: Cần thêm chính sách hỗ trợ
3 giờ trướcBài gốc
Với công nhân, vấn đề trường học cho con luôn là nỗi lo lớn nhất. Ảnh: L.H.
Nỗi lo tìm nơi học cho con
Hai vợ chồng đều là công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), ngoài giờ còn tranh thủ bán hàng online và chạy xe ôm nên cuộc sống gia đình 4 người nhà chị Nguyễn Thị Văn cũng tạm đủ. Thế nhưng yên ổn không lâu vì đứa con lớn nhà chị Văn sắp bước vào cấp 3. “Bậc tiểu học và cấp 2 thì chỉ cần có giấy tạm trú là có thể vào học nhưng vào cấp 3 thì phần lớn con em công nhân phải chọn lựa học trường tư. Trong khi đó, học phí trường tư giờ thấp nhất từ 3 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản khác. Đây thực sự là áp lực rất lớn với những người làm công nhân như chúng tôi” - chị Văn giãi bày.
Không may mắn như chị Văn, 2 con nhà chị Nguyễn Thu Hòa (công nhân may KCN Thạch Thất, Hà Nội) phải gửi về quê vì không chi trả được tiền gửi trẻ ở trường tư. “Gần khu tôi trọ cũng có trường mầm non công lập, tuy nhiên mình không có hộ khẩu thường trú nên không xin được vào học, học tư thì 2 vợ chồng không lo được. Vì vậy, dù rất thương con nhưng cũng buộc lòng phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc” - chị Hòa kể.
Theo khảo sát của Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện cả nước có 431 KCN với khoảng 4,16 triệu lao động, phần lớn là công nhân trẻ nhập cư. Thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài và chi phí sinh hoạt đắt đỏ đã đẩy cuộc sống của họ vào cảnh bấp bênh. Đặc biệt, vấn đề thiếu trường lớp gần nơi ở, thiếu nhà trẻ và dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ khiến nhiều gia đình công nhân phải loay hoay trong việc cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái.
Đơn cử tại Đồng Nai, nơi có 33 KCN với 60% lao động nhập cư, chỉ có 6 trường mầm non công lập và 4 doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ. Ở TPHCM, chỉ 15% nhu cầu được đáp ứng bởi các cơ sở công lập, trong khi 85% phụ thuộc vào trường tư thục, với chi phí cao gấp 5 - 9 lần mức học phí ở trường công. Ngoài ra, thời gian giữ trẻ không phù hợp với giờ làm việc tăng ca của công nhân, gây thêm áp lực cho các gia đình.
Bà Trần Thu Phương - Phó Trưởng Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Qua khảo sát, nắm bắt tình hình, Ban Nữ công nhận thấy thực trạng chăm sóc, nuôi dạy con của người lao động hiện nay còn một số bất cập như: Việc gửi con ở các nhà trẻ công lập tại KCN tương đối khó khăn, do công nhân KCN chủ yếu là lao động nhập cư, không có hộ khẩu thường trú tại nơi đến, trong khi khả năng nhận các cháu của nhà trẻ khu vực này có hạn.
Cần chính sách khuyến khích doanh nghiệp
Thực tế để rút ngắn khoảng cách về giáo dục, tạo sự bình đẳng cho con em lao động công nhân về giáo dục, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp giáo dục mầm non cho con của công nhân lao động tại các KCN, KCX. Theo đó, giáo dục mầm non tại các KCN, KCX được ưu tiên phát triển, tương tự như chính sách dành cho vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, phản ánh từ các địa phương cho thấy, chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non tại các khu vực có KCN, KCX hiện nay chưa được triển khai đồng đều. Đặc biệt, do nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non còn hạn chế, lại phụ thuộc vào khả năng ngân sách của từng địa phương nên chưa thể mở rộng đối tượng đến con của công nhân lao động.
Đề cập về những khó khăn, bà Trần Thu Phương cho biết, việc xây dựng các công trình thiết chế như nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà ở và các công trình phụ trợ cần nguồn lực lớn, thời gian dài và phải tháo gỡ nhiều quy trình, thủ tục. Vì vậy, việc giải quyết những khó khăn này không thể thực hiện ngay lập tức mà cần lộ trình cụ thể.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng trường mầm non ngay trong KCN. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này hơn nữa, theo bà Vũ Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non May 10 (thuộc Tổng Công ty May 10 ), nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa với những doanh nghiệp có đa số lao động là nữ. Hiện nay các trường mầm non thuộc các doanh nghiệp rất ít, vì vậy cần có chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ giáo viên, nhân viên, cũng như chế độ ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho trẻ có bố mẹ làm trong doanh nghiệp có lao động đa phần là nữ; bổ sung thêm chính sách ưu tiên về lương và phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các trường mầm non của doanh nghiệp để họ yên tâm công tác…
Để hỗ trợ công nhân lao động tại các KCN, KCX trong việc chăm sóc và nuôi dạy con, đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM cho rằng, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện về chính sách và quỹ đất xây dựng trường mầm non trong các KCN, KCX; rà soát quy hoạch phát triển, bổ sung hạng mục công trình thiết yếu phục vụ nâng cao đời sống người lao động KCN, KCX. Cơ quan có thẩm quyền về công tác giáo dục cần có thêm các chế độ, chính sách ưu đãi, chăm lo cho giáo viên mầm non khu vực đặc thù này do phải chịu nhiều khó khăn và rất áp lực với cường độ lao động căng thẳng.
Khanh Lê
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/xay-truong-mam-non-tai-cac-khu-cong-nghiep-can-them-chinh-sach-ho-tro-10295261.html