Xây tường rào để 'đòi' chính quyền đền đất

Xây tường rào để 'đòi' chính quyền đền đất
6 giờ trướcBài gốc
Trường mầm non bị chia đôi vì tranh chấp
Một buổi sáng đầu tháng 7, chúng tôi tìm về nhà riêng của ông Nguyễn Văn Lài (SN 1963, trú ở xã Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn cũ) để nắm bắt câu chuyện gia đình ông Lài cho xây dựng tường rào chia đôi Trường Mầm non Minh Sơn.
Theo quan sát, ghi nhận của phóng viên, Trường Mầm non Minh Sơn nằm sâu trong một con đường làng, tiếp giáp với gia đình ông Nguyễn Văn Lài đang sinh sống. Hôm chúng tôi đến, nhiều lớp học ở đây vẫn hoạt động nhộn nhịp, tiếng trẻ con bi bô, nói cười râm ran trong các lớp học… Giữa sân trường, một bức tường chia đôi Trường Mầm non Minh Sơn, được gia đình ông Lài cho xây dựng bằng gạch không nung, có chiều dài khoảng 20m, cao khoảng 1,5m, tường xây thô không gia trát. Bức tường bắt đầu từ bờ rào của gia đình ông Lài, đi qua khu vực sân trường rồi nối khu vực nhà hành chính Trường Mầm non Minh Sơn. Bức tường hiện hữu lâu nay không chỉ làm mất tính mỹ quan mà còn cản trở hoạt động dạy học của nhà trường. Vì sao lại có sự việc hi hữu, oái oăm đến như vậy?
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1965), vợ ông Lài cho hay: Cách đây 11 năm, UBND xã Minh Sơn muốn mở rộng khuôn viên Trường Mầm non Minh Sơn nên đã bàn bạc với gia đình bà nhượng lại cho xã hơn 900m2 đất của gia đình để xây dựng trường. Đổi lại, UBND xã Minh Sơn cam kết sẽ bố trí, đối ứng cho gia đình bà một lô đất tái định cư ở vị trí khác, nằm gần Trạm y tế xã. Sau khi chính quyền địa phương và hộ gia đình thống nhất phương án đổi đất, gia đình bà Nguyệt được đền bù 50 triệu đồng là tiền hoa màu, cây trồng trên đất và giao đất cho xã xây dựng trường mầm non.
Theo lời bà Nguyệt, số tiền 50 triệu đồng gia đình đã nhận được nhưng riêng đất đối ứng thì trải qua nhiều đời chủ tịch, bí thư xã, có người đến lại đi, có người đã về nghỉ hưu nhưng đến giờ vẫn không bố trí được đất đối ứng, khiến cho gia đình hết sức bức xúc. Bà Nguyệt nói, không làm được trích lục đổi đất, họ nói đền bù bằng tiền nhưng rồi tiền cũng không thấy đâu, sự việc cứ kéo dài năm này qua năm khác. Theo lời bà Nguyệt, hiện khu đất hơn 900m2 đã xây dựng Trường Mầm non Minh Sơn vẫn đang nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình, chưa tách thửa. Do vậy, bà Nguyệt quả quyết: “Nếu chính quyền không giải quyết được quyền lợi cho gia đình một cách thỏa đáng thì chúng tôi đòi lại đất”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Tuấn, Bí thư xã Triệu Sơn xác nhận có sự việc trên và cho biết, đây là việc làm của chính quyền khóa trước, xã Minh Sơn thỏa thuận đổi đất với gia đình ông Lài. Tuy nhiên, sau khi rà soát quy định pháp luật, việc cấp đất tái định cư cho ông không thuộc thẩm quyền của xã mà phải do UBND huyện hoặc cấp tỉnh quyết định. Hiện nay, xã đã hướng dẫn ông Lài thủ tục khởi kiện ra Tòa án, chờ quyết định phán quyết của tòa mới có phương án giải quyết, Bí thư xã Triệu Sơn cho biết thêm.
Chặn lối đi chung để đòi đất
Một sự việc hi hữu khác xảy ra tại xã thị trấn Nga Sơn (nay là xã Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), cũng vì bức xúc không đòi được đất, 3 hộ gia đình đã xây dựng 2 bờ tường chặn đường, không cho người và phương tiện qua lại. Tìm hiểu nguyên nhân sự việc được biết, khi thực hiện dự án đường Đông quốc lộ 10, UBND thị trấn Nga Sơn đã quy hoạch phần đường lên đất của 3 hộ dân (đất đấu giá, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), chính quyền địa phương thỏa thuận thu hồi, bố trí đất tái định cư nơi khác cho người dân và đã được các hộ đồng ý. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, sự việc vẫn không được giải quyết, 3 hộ dân không được bố trí đất tái định cư, quá bức xúc, các hộ dân đã tự ý xây dựng bờ tường ngăn đường, không cho người và phương tiện qua lại.
Là một trong 3 người có đất bị quy hoạch làm đường, anh Nguyễn Thành Long (SN 1985, trú tại Tiểu khu Yên Hạnh II, xã Nga Sơn) tường thuật: “Năm 2009, gia đình tôi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất (đấu giá quyền sử dụng đất) tại vị trí bám đường Tuấn Phương đi ngã Năm Hạnh xã Nga Mỹ (sau đó thuộc thị trấn Nga Sơn, nay xã Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Cụ thể, thửa đất số 1194 (Lô 09), tờ bản đồ số 08 BĐ ĐC xã Nga Mỹ, diện tích 100m2 đất ở đã được UBND huyện Nga Sơn cấp GCNQSDĐ số AI 239189 ngày 10 tháng 12 năm 2009.
Năm 2021, UBND thị trấn Nga Sơn thi công công trình làm đường Đông quốc lộ 10 đã tự ý làm hạ tầng (đường và vỉa hè) chiếm toàn bộ diện tích đất ở thuộc chủ quyền của gia đình tôi đã được giao mà chưa thực hiện việc giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư. Ngày 12/11/2021, UBND thị trấn Nga Sơn có mời gia đình tôi làm việc thống nhất việc tái định cư diện tích đất của gia đình tôi tới địa điểm khác cụ thể: Lô đất số 265 mặt bằng khu dân cư Đông quốc lộ 10 với diện tích 98m2. Tuy nhiên, từ đó đến nay tôi đã đề nghị UBND thị trấn Nga Sơn hoàn thiện thủ tục giao đất để gia đình tôi tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng công trình nhà ở, nhưng đề nghị của gia đình tôi vẫn chưa được giải quyết”.
Bức xúc trước quyền lợi không được đáp ứng, khoảng cuối tháng 4, anh Nguyễn Thành Long và hai hộ dân có đất đã thuê người xây hai bức tường chắn ngang con đường vào khu dân cư. Mỗi bức tường cao hơn 1,3m, dài khoảng 15m, xây bằng gạch không nung, chưa trát vữa. Bờ tường chắn ngang con đường nhựa rộng chừng 7m và vỉa hè hai bên.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Nga Sơn cho biết, xã đang tính toán các phương án phù hợp nhất rồi mời các hộ dân lên làm việc, tinh thần là phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
Qua sự việc trên cho thấy, hành vi xây dựng bờ rào của các hộ dân xuất phát từ việc bức xúc kéo dài nhiều năm, khi quyền lợi hợp pháp chậm được giải quyết thấu đáo. Những bờ tường rào đường dựng lên không chỉ gây bất tiện trong việc di chuyển của nhiều hộ dân ở xã Nga Sơn và hoạt động dạy học của Trường mầm non xã Triệu Sơn. Sự hiện diện của những bức tường kia cũng phần nào cho thấy sự thờ ơ, yếu kém của cán bộ chính quyền các cấp trước đây.
Trần Thắng
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/xay-tuong-rao-de-doi-chinh-quyen-den-dat-i774801/