Xây tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng thống nhất, đồng bộ với đường sắt quốc gia

Xây tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng thống nhất, đồng bộ với đường sắt quốc gia
7 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp, (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)
Chiều 8/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
Tăng cường năng lực đơn vị tư vấn trong nước
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng các dự án kết nối tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng phải bám sát chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành đường sắt hiện đại, đồng bộ, thống nhất với quy chuẩn, tiêu chuẩn của thế giới.
Đồng thời, bảo đảm khả năng độc lập tự chủ về thiết kế, cơ khí chế tạo, quản lý vận hành; thể hiện tính nhất quán hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, vận dụng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực...
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương tăng cường năng lực đơn vị tư vấn trong nước trong lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; bảo đảm sự thống nhất, thông suốt về số liệu, thông tin với Báo cáo nghiên cứu khả thi, dưới sự giám sát, đánh giá của cơ quan tư vấn độc lập có đủ năng lực chuyên môn về hạ tầng đường sắt tốc độ cao, vận hành, hệ thống nhà ga, logistic…
Quá trình xây dựng các gói thầu cần có sự tham gia của chuyên gia, đơn vị tư vấn độc lập về thiết kế kỹ thuật để ra "đầu bài" cho các gói thầu, nhằm thực hiện đầy đủ yêu cầu của dự án, từ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, thiết kế, thi công, vận hành...
“Tất cả đối tác nước ngoài tham gia tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát phải cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo cho đối tác của Việt Nam để sau khi hoàn thành dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, các đơn vị tư vấn trong nước có thể tự đảm nhận các dự án đường sắt tiếp theo,” Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chuẩn bị phương án lựa chọn các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng đầu tư, nghiên cứu, đào tạo, tiếp nhận công nghệ để hình thành nền tảng cho ngành công nghiệp đường sắt.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn lưu ý ngay giai đoạn đầu triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng phải có đơn vị tư vấn độc lập dày dặn kinh nghiệm, có trình độ và uy tín trong lĩnh vực đường sắt để hỗ trợ Việt Nam trong thẩm định tư vấn.
Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh xây dựng các tuyến đường sắt, việc hợp tác phải giúp ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam phát triển, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng mục tiêu quan trọng hướng tới là ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam độc lập, tự chủ trong thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý, nguồn nhân lực...
"Ngay từ đầu, việc xây dựng 3 tuyến đường sắt cần phải tính đến yếu tố thống nhất, đồng bộ trong hệ thống đường sắt Việt Nam," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đáp ứng nhu cầu vận tải chất lượng cao
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đã được xác định trong các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng (Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng), các quy hoạch tỉnh. Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để triển khai lập và hoàn thành quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt mới Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; bàn giao kết quả nghiên cứu cho phía Việt Nam vào tháng Tám vừa qua.
Tháng Tám vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn năm 2024 để chuẩn bị đầu tư dự án. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải tích cực triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; đã làm việc với 9 địa phương dọc tuyến để thỏa thuận hướng tuyến, vị trí, quy mô nhà ga với các địa phương.
Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng dự án, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại để rà soát báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trung Quốc đã cử chuyên gia sang hỗ trợ kỹ thuật từ tháng 10 vừa qua để phối hợp với tư vấn Việt Nam trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo cụ thể về phương án thực hiện tự chủ trong quá trình triển khai dự án trong tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công hạ tầng, chế tạo toa xe, đầu máy, hệ thống điện động lực, quản lý vận hành...
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc nhằm triển khai Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang. Một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường;" đáp ứng nhu cầu vận tải chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.
Đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có tổng chiều dài 417km, đi qua 9 địa phương gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; dự kiến có 36 ga./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/xay-tuyen-lao-cai-ha-noi-hai-phong-thong-nhat-dong-bo-voi-duong-sat-quoc-gia-post992135.vnp