Đèn sương mù được nhiều chủ xe lựa chọn lắp đặt thêm cho phương tiện trong trường hợp xe không được trang bị sẵn nhằm tăng độ chiếu sáng vào ban đêm hoặc trong những ngày sương mù hạn chế tầm nhìn.
Câu hỏi đặt ra là nếu đèn sương mù không sáng, ô tô có bị trượt đăng kiểm không?
Về vấn đề này, đại diện một đơn vị đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm định xe cơ giới lưu hành (QCVN 122:2024), đối với đèn sương mù chỉ quy định kiểm tra đèn trong trường hợp ô tô lắp thêm.
Đèn sương mù được trang bị sẵn trên xe nguyên bản không thuộc hạng mục kiểm tra. Trong khi đó, với đèn sương mù lắp thêm cũng không quy định đèn không sáng là hư hỏng, khiếm khuyết.
Do đó, với trường hợp đèn sương mù trên ô tô (dù trang bị sẵn hay lắp thêm) không sáng, ô tô vẫn đạt hạng mục kiểm tra này. Và nếu các hạng mục kiểm tra khác cũng đạt, ô tô sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định mới.
Tuy nhiên, đại diện đơn vị đăng kiểm cũng lưu ý, với đèn sương mù lắp thêm, chủ xe cần lưu ý một số quy định để đảm bảo phương tiện không gặp khó khăn khi đăng kiểm.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, việc lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời phải thực hiện theo đúng quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6978:2001 về phương tiện giao thông đường bộ - lắp đặt đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu trên phương tiện cơ giới và moóc.
Theo đó, đèn sương mù lắp thêm phải tuân thủ các chỉ tiêu như: Phải lắp đặt 2 đèn đối xứng có ánh sáng màu trắng hoặc vàng; vị trí lắp đặt không cách mép ngoài cùng của xe lớn hơn 400 mm và chiều cao không thấp hơn 250 mm; hướng đèn về phía trước đầu xe. Ngoài ra, việc tắt mở đèn sương mù phải độc lập với đèn chiếu sáng phía trước.
Theo các cơ sở đăng kiểm, không ít trường hợp chủ xe lắp thêm đèn sương mù nhưng đấu nguồn điện trực tiếp với đèn chiếu sáng và bị trượt đăng kiểm, phải đưa xe đi khắc phục.
Lý giải vì sao đèn sương mù phải tắt mở độc lập với đèn chiếu sáng phía trước, vị đại diện này cho biết, đèn sương mù đấu công tắc chung với đèn chiếu sáng khi sử dụng rất nguy hiểm, đặc biệt khi lưu thông trong phố, trên các loại đường không phải đường cao tốc như đường làng, đường xã, tỉnh lộ, quốc lộ…
Nguyên nhân là do ánh sáng phát ra đồng thời từ 2 loại đèn này sẽ gây chói mắt, thậm chí gây ra tình trạng "mù tạm thời" với người tham gia giao thông khác, làm giảm khả năng quan sát, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Đèn sương mù (hay còn được gọi là đèn gầm) chỉ bật khi thật sự cần thiết trong điều kiện thời tiết bất lợi, thiếu sáng như sương mù, mưa lớn, hoặc khói bụi.
"Hiện nay, tình trạng ô tô lắp đèn sương mù sai quy định vẫn xảy ra phổ biến, dẫn đến bị trượt đăng kiểm. Chủ xe khi lắp đặt cần chú ý các quy định trên để vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa thuận lợi khi đưa xe đi đăng kiểm", đại diện trung tâm đăng kiểm nhấn mạnh.
Minh Đức (T/h)