Họ chở người, chở hàng lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu và dường như cũng không quan tâm đến ánh mắt bức xúc của những người phải chứng kiến hình ảnh xấu xí đó. Cùng với xe công nghệ, cũng có nhiều người khác điều khiển xe máy vượt đèn đỏ tại điểm ngã tư này, nhất là lúc vắng bóng lực lượng cảnh sát giao thông.
Tình trạng lái xe công nghệ vượt đèn đỏ diễn ra tràn lan trên các tuyến phố đã trở thành vấn nạn. Họ cũng thường xuyên đi ngược chiều, vừa lái xe vừa bấm điện thoại, đi lên vỉa hè như một cuộc thi chạy marathon vì áp lực thời gian đón, trả khách, giao hàng.
Nhiều tài xế còn dùng khẩu trang hoặc cố tình sử dụng hàng cồng kềnh để che kín biển kiểm soát. Những hình ảnh ấy như một cái gai trong mắt mọi người, bởi các tài xế xe công nghệ nổi bật với trang phục mà hãng xe đó quy định.
Xe công nghệ vượt đèn đỏ, thêm hiểm họa. Ảnh minh họa: kinhtedothi.vn
Dư luận đã nhiều lần phản ánh, du khách đến Việt Nam rất ngạc nhiên, họ cảm thấy kỳ quặc bởi hành vi vượt đèn đỏ vô cùng nguy hiểm lại trở thành phổ biến trên đường phố nước ta. Điều đó gây tâm lý bất an cho những người đi đúng luật.
Vài năm nay, các hãng xe công nghệ ra đời, phát triển rất nhanh theo xu thế chung của sự phát triển xã hội. Tuy vậy, dường như các tài xế chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bỏ qua chế tài pháp luật và nhiều quy định có tính chất quy phạm đạo đức của người lái xe.
Vì sao các tài xế xe công nghệ, shipper lại thường xuyên vi phạm luật giao thông? Nhiều tài xế đã thẳng thắn trả lời rằng, là do áp lực thời gian, bởi càng hoàn thành sớm chuyến xe càng giúp họ có cơ hội nhận những đơn hàng khác, thu nhập tăng lên. Một số hãng xe áp dụng mức thưởng theo doanh số hoạt động trong ngày. Điều này có hai mặt. Nó là động lực thúc đẩy các lái xe chịu khó, chăm chỉ, nhưng nó cũng tạo ra tâm lý vội vàng, làm bừa, làm ẩu nếu không quản lý tốt. Vấn nạn này nếu không được ngăn chặn sẽ dẫn đến nhờn luật pháp, trở thành một hiểm họa khác cho người tham gia giao thông.
Thực tế này đòi hỏi phải quyết liệt chấm dứt tình trạng vượt đèn đỏ bằng các chế tài rất mạnh, giống như cách xử lý tình trạng lái xe có nồng độ cồn, bởi nó đều gây nguy hiểm lớn cho xã hội. Các hãng xe công nghệ phải nâng cao trách nhiệm, buộc họ chịu một phần trách nhiệm trong trường hợp hành khách đi xe của hãng và người tham gia giao thông bị tai nạn do lái xe thuộc quản lý của họ gây ra.
Cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, kết hợp các chế tài xử lý khác, nhất là việc kiểm soát, ngăn chặn, bởi mức xử phạt hiện hành đối với hành vi vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông không thấp (với xe mô tô, mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng; với ô tô, mức phạt 4-6 triệu đồng) nhưng chưa ngăn chặn được tình trạng này bởi lực lượng chức năng kiểm soát, giám sát có hạn. Điều quan trọng nhất, cơ bản nhất là phải xây dựng được ý thức, thói quen chấp hành luật giao thông của tất cả chúng ta.
NGUYỄN HÀ MY