Sự việc diễn ra vào khoảng 5h sáng ngày 18/1 tại trạm thu phí Nghi Phương trên cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt đoạn qua tỉnh Nghệ An, xe container đã lao vào trạm thu phí. Vụ việc khiến một nhân viên bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ việc không chỉ gây thiệt hại cơ sở hạ tầng mà còn vi phạm quy định của nhà nước về an toàn giao thông đường bộ.
Đó là những quy định nhằm đảm bảo an toàn giao thông vận tải, đảm bảo cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ được thông suốt… Đặc biệt, trong tình huống này có một nhân viên trạm thu phí bị thương.
Hiện trường xảy ra vụ tai nạn giao thông. Ảnh: CTV
Trong trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ căn cứ các yếu tố chủ quan, khách quan để đưa ra hình thức xử lý đối với tài xế gây ra vụ tai nạn. Dựa vào tình tiết vụ việc nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật hình sự 2015…
Bên cạnh đó, tài xế có thể phải chịu thêm các biện pháp xử phạt hành chính (bị phạt tiền).
“Nếu tài xế vi phạm quy định về tốc độ, không tuân thủ tín hiệu giao thông, hoặc điều khiển xe trong tình trạng không đảm bảo an toàn (như say rượu), mức phạt sẽ dao động từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi vi phạm quy định về tốc độ lên đến 22 triệu đồng”, luật sư Nguyễn Doãn Hùng phân tích.
Ngoài ra, tài xế có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 24 tháng, tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Nếu tài xế vi phạm nghiêm trọng (như điều khiển xe trong tình trạng say rượu), thời gian tước quyền khả năng kéo dài.
Thậm chí nếu tài xế vi phạm nghiêm trọng, phương tiện có thể bị tịch thu. Điều này thường áp dụng cho các hành vi vi phạm nghiêm trọng như điều khiển xe không có giấy phép hoặc giấy phép không hợp lệ.
Đồng thời, với hành vi vi phạm đã gây thiệt hại cho tài sản công cộng (như trạm thu phí), tài xế có thể bị buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc bồi thường thiệt hại.
Những trường hợp trạm thu phí BOT phải đóng cửa
Mới đây, Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 34/2024 quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và thay thế Thông tư số 45/2021 ngày 31/12/2021 của Bộ GTVT.
Theo đó, Thông tư số 34, dự án có thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ sẽ phải tạm dừng thu phí trong 6 trường hợp.
Đơn vị quản lý thu vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ đã được cơ quan có thẩm quyền có văn bản nhắc nhở 2 lần kèm theo thời hạn khắc phục. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi đơn vị quản lý thu khắc phục xong, nhưng không ít hơn 1 ngày.
Đơn vị quản lý thu để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn đối với giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục 2 lần bằng văn bản kèm theo thời hạn khắc phục nhưng không khắc phục hoặc chậm khắc phục. Thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản dừng cho đến khi đơn vị quản lý thu khắc phục xong, nhưng không ít hơn 1 ngày.
Khi xảy ra thiên tai như: Công trình bị hư hỏng do xảy ra sự cố công trình, do hậu quả của thiên tai không thể khai thác, sử dụng an toàn; khi xảy ra sự cố cháy, nổ, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng buộc phải tạm dừng khai thác để phục vụ cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ; khi có yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc các trường hợp đặc biệt khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đơn vị quản lý thu có các hành động để xảy ra hành vi gian lận tiền sử dụng đường bộ; thông đồng gian lận trong hoạt động thu tiền sử dụng đường bộ; can thiệp vào hệ thống Front-End, hệ thống Back-End; báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu tiền sử dụng đường bộ để xảy ra hành vi gian lận tiền sử dụng đường bộ; thông đồng gian lận trong hoạt động thu tiền sử dụng đường bộ; can thiệp vào hệ thống Front-End, hệ thống Back-End; báo cáo sai doanh thu nhằm gian lận doanh thu tiền sử dụng đường bộ.
Trường hợp tiếp theo là khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh hoặc phục vụ an ninh, quốc phòng hoặc thực hiện theo chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Cuối cùng là đơn vị quản lý thu, đơn vị vận hành thu hoặc nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ cố tình trì hoãn, không tuân thủ các quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
N. Huyền