Xe cứu thương vượt đèn đỏ va chạm với xe máy: Ai là người chịu trách nhiệm?

Xe cứu thương vượt đèn đỏ va chạm với xe máy: Ai là người chịu trách nhiệm?
một ngày trướcBài gốc
Mới đây mạng xã hội xôn xao về một clip một chiếc xe cứu thương va chạm với xe máy khi qua ngã tư tại TP.HCM. Dù vụ việc chưa xác định cụ thể ở khu vực nào nhưng nhiều người đặt câu hỏi trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này.
Video được chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Xe cứu thương vượt đèn đỏ đúng quy định
Theo Luật sư Huỳnh Ái Chân, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích về việc xe cứu thương vượt đèn đỏ: Theo khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu được xem là xe ưu tiên, không bị hạn chế tốc độ, được quyền đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới và được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông (hay nói cách khác là được phép vượt đèn đỏ), nhưng phải tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và biển báo hiệu tạm thời.
Đồng thời, người điều khiển xe cứu thương có trách nhiệm: Bật còi và đèn ưu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu. Cụ thể, tại điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và điểm đ khoản 2 Điều 19 Nghị định 151/2024 có quy định: Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu phải có tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật, bao gồm: tín hiệu đèn nhấp nháy màu đỏ, tín hiệu còi ưu tiên.
Sử dụng tín hiệu ưu tiên đúng lúc: Khi không có nhiệm vụ cấp cứu, xe cứu thương phải tuân thủ quy định giao thông như các phương tiện khác. Việc sử dụng quyền của xe ưu tiên khi không thực hiện nhiệm vụ là hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 24 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Đảm bảo an toàn giao thông: Dù được quyền ưu tiên, người điều khiển xe cứu thương vẫn cần quan sát và di chuyển thận trọng, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông khác (nguyên tắc tại khoản 4 Điều 3 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024).
Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường cho xe ưu tiên trong mọi tình huống, không được gây cản trở (khoản 5 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024).
Ngoài ra, trước đây khoản 3 Điều 3 Nghị định 109/2009 về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên có định nghĩa: “Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu” là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu. Nghị định này đã hết hiệu lực vào ngày 1-1-2025, tuy nhiên thực tế có thể hiểu “đi làm nhiệm vụ cấp cứu” là chở người bệnh, vận chuyển nhân viên y tế hoặc trang thiết bị phục vụ cấp cứu. Theo đó, xe đi đón bệnh nhân cấp cứu (trên xe không có bệnh nhân, chỉ chở nhân viên y tế và trang thiết bị) vẫn có thể xem là “đi làm nhiệm vụ cấp cứu”.
Cơ quan công an sẽ xác minh
Để đánh giá vụ việc và trách nhiệm pháp lý của tài xế xe cứu thương, Luật sư Huỳnh Ái Chân cho rằng theo quan sát đoạn video, vụ tai nạn xảy ra khi xe máy đang đi trên phần đường có đèn xanh, còn xe cứu thương đang vượt đèn đỏ.
Theo quan sát biển báo, biển chỉ dẫn thì đây là đoạn đường ở TP.HCM. (Ảnh cắt từ clip)
Trong vụ việc này, cơ quan công an sẽ xác minh, làm rõ các vấn đề như: Tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe cứu thương có đang đi làm nhiệm vụ cấp cứu hay không? Nếu đang đi làm nhiệm vụ cấp cứu thì có bật đủ và đúng loại tín hiệu đèn, tín hiệu còi ưu tiên không? Tài xế có quan sát và di chuyển thận trọng không? Bối cảnh vụ việc, vị trí và tốc độ của hai xe, giấy phép lái xe và nồng độ cồn của tài xế,... Từ đó mới xác định tài xế xe cứu thương có vi phạm quy định về giao thông đường bộ hay không và xác định chế tài xử lý tương ứng.
Như vậy, có thể xảy ra các trường hợp sau:
Một là: Nếu xe cứu thương đang đi làm nhiệm vụ cấp cứu, có bật đủ và đúng loại tín hiệu đèn, tín hiệu còi ưu tiên, tài xế có giấy phép lái xe phù hợp và không vi phạm nồng độ cồn,... thì không vi phạm quy định về giao thông đường bộ và không phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, khi có tín hiệu của xe ưu tiên thì người điều khiển xe máy phải nhường đường trong mọi tình huống và không được gây cản trở. Nếu không nhường đường cho xe ưu tiên thì có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý và các thiệt hại phát sinh.
Hai là: Ngược lại, nếu không đáp ứng một trong các yếu tố trên thì tùy theo tình tiết vụ việc, tính chất và mức độ của hành vi, tài xế xe cứu thương có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý như sau:
Đối với hành vi vượt đèn đỏ (không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông) mà gây tai nạn giao thông: Có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng, trừ điểm Giấy phép lái xe 10 điểm (điểm b khoản 9, điểm b khoản 10, điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024).
Trường hợp sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định: Có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm h khoản 4 Điều 6 Nghị định 168/2024).
Ngoài ra, tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Về trách nhiệm dân sự, tài xế có thể phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tổn thất về tinh thần cho nạn nhân theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 6-9-2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
THY NHUNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/xe-cuu-thuong-vuot-den-do-va-cham-voi-xe-may-ai-la-nguoi-chiu-trach-nhiem-post858236.html